Cuộc sống của người lính nơi biên cương Tổ quốc


(VOV5) - 45/64 tỉnh, thành ở nước ta có biên giới, bờ biển. Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng là lực lượng làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, hải đảo. Nhân kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng Việt Nam, ngày 3/3, mời quý vị và các bạn đến thăm một đơn vị biên phòng chốt trên vùng cao Lai Châu, qua bài viết của Lan Phương.

Nhấn vào đây để nghe âm thanh của bài viết:



Đồn biên phòng 281 còn có cái tên trùng với tên địa điểm xã nơi đồn đóng quân: Dào San. Đây là một trong năm đồn biên phòng chốt ở huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đóng quân ở nơi có địa hình núi cao, dân cư sống rải rác, không tập trung, nhiều cán bộ, chiến sĩ được điều động vào các tổ đội công tác “bám bản, bám làng”, do vậy, không khi nào ở đồn biên phòng có mặt đủ 100% quân số.

Cuộc sống của người lính nơi biên cương Tổ quốc - ảnh 1
Đồn phó đồn 281 Nguyễn Ngọc Ánh

Đồn phó đồn biên phòng Dào San Nguyễn Ngọc Ánh cho biết: "Tình cảm của bộ đội và nhân dân luôn gắn bó keo sơn, với tinh thần: đồn là nhà, biên giới là quê hương, cán bộ chiến sĩ xác định rõ nơi đóng quân như quê hương thứ hai của mình nên các cán bộ chiến sĩ đã cùng với đồng bào biên giới xây dựng biên giới, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, cũng như an ninh chính trị trật tự an toàn trên địa bàn nên cán bộ chiến sĩ được đồng bào tin yêu, quý mến". Với lính biên phòng, bà con dân tộc như anh em ruột thịt. Và bà con cũng đáp lại những tình cảm của các anh, như lời anh Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch xã Tung Qua Lìn: "Đồn 281 phụ trách ba xã trên này. Trong xã có một tổ công tác biên phòng. Trong công tác phối kết hợp là phối kết hợp bảo vệ đường biên mốc giới. Trong năm vừa rồi, có 48 hộ dân làm đơn xin di cư đi các nơi khác, chính quyền xã phối hợp với Đồn đóng quân trên địa bàn tuyên truyền vận động sau đấy người ta cũng cơ bản ổn định". 

Đồn biên phòng Dào San quản lý cụm 3 xã: Dào San, Mù Sang và Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ với hơn 1.700 hộ và 10.785 khẩu, có 4 dân tộc sinh sống. Đời sống người dân ở cả ba xã biên giới nhìn chung còn nghèo, thêm nữa trình độ dân trí thấp. Qua các chương trình trên đài truyền thanh Dào San phát vào chủ nhật hàng tuần đã trở nên thân thiết với bà con thôn bản ba, bốn năm qua, qua chủ trương “ba bám, bốn cùng” với bà con dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi. Thể hiện ở con số người nghiện ở Dào San đã có phần giảm, nhiều bà con đã có ý muốn sống ổn định, không di canh, di cư như trước. 

Với những người lính biên phòng canh gác trên những điểm chốt cao 1.600m so với mặt nước biển như ở Dào San, nhiệm vụ công tác đã vất cả, lại cộng thêm khí hậu khắc nghiệt. Mùa khô thì kéo dài và sương mù dày đặc và giá rét, nhiệt độ thường xuyên dưới 10 độ C. Tôi đã có dịp mục sở thị đại bản doanh của đồn 281. Dãy nhà có mái tôn xanh bên phải đồn là khu vực nghỉ ngơi của các chiến sĩ. Trong phòng, giường chiếu có phần đơn sơ. Tôi không hiểu chỉ với chiếc chăn len một mỏng mảnh, các cán bộ, chiến sĩ chống chọi thế nào với cái giá rét vùng cao? Tuy nhiên, tinh thần vui vẻ, lạc quan của người lính mang quân hàm xanh thì vẫn mãi tươi trẻ. Trong khi đoàn phóng viên chúng tôi lên thăm co ro trong áo ấm, thì các chiến sĩ mặc quần cộc chạy ra sân đầy gió lộng tập thể thao, tập bóng chuyền. 

Cuộc sống của người lính nơi biên cương Tổ quốc - ảnh 2

Thế mới biết không những phải làm quen với khí hậu khắc nghiệt, họ còn biến cái khắc nghiệt thành sản phẩm theo ý mình. Nhìn ra phía trước những hàng cây đào núi nối tiếp nhau bao quanh khuôn viên đẹp đến mê mẩn. Còn quay ra phía sau, có cảm giác như lạc vào một không gian của làng quê Bắc Bộ. Đầu tiên là dàn mướp xanh được dựng vững chãi thách thức với mưa rừng. Rồi đến vườn rau đủ loại được đánh luống thẳng tắp, gọn gàng. Ao cá kề bên vừa tiện việc tưới rau, lại cải thiện thêm cho bữa ăn bộ đội.

Cuộc sống của người lính nơi biên cương Tổ quốc - ảnh 3
Vườn rau đang lên tươi tốt của các chiến sĩ đồn Dào San

Theo lời anh Nguyễn Ngọc Ánh, riêng về rau củ quả, đảm bảo 100% nhu cầu của đơn vị. Liều A Sào, dân tộc Mông, làm nghĩa vụ ở đồn Dào San, hàng ngày được giao làm bếp, kể về bữa cơm của các chiến sĩ: "Bữa cơm của anh bộ đội nhìn cũng đầy đủ, ăn cũng ngon, đảm bảo chất lượng. Ví dụ một bữa có thịt có rau nhiều món, và cơm ngon. Nhìn cũng được, các anh bộ đội rất tốt".

Quanh năm sống với gió núi, mưa rừng, bên đào rừng e ấp và thông reo vi vu, lá cờ Tổ quốc giữa sân bay phần phật trước gió, những người lính biên thùy đều coi “đồn là nhà – biên giới là quê hương”. Nếu phải xa những dãy núi trùng điệp nhấp nhô sau làn sương sớm khi hoàn thành xong nhiệm vụ, tôi chắc rằng sẽ có nhiều người khắc khoải, nhớ thương./.

Phản hồi

Các tin/bài khác