(VOV5) - Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội là nơi ghi lại các dấu mốc quá trình phát triển nền giáo dục của quốc gia Đại Việt.
Được thành lập từ thế kỷ 11, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội vẫn là nơi tôn vinh đạo học, tinh thần hiếu học. Để đánh thức giá trị không gian văn hoá đặc biệt này nói riêng, di sản văn hoá nói chung, những người làm quản lý, nghiên cứu, người tâm huyết với di sản văn hoá đất nước, đã và đang nỗ lực có thể đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một trung tâm văn hóa xứng với giá trị lịch sử cốt lõi mà ông cha đã tạo dưng cho nơi đây.
Nghe chương trình tại đây:
Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội là nơi ghi lại các dấu mốc quá trình phát triển nền giáo dục của quốc gia Đại Việt. Sau bao biến thiên của lịch sử, có những thời điểm di tích này bị xuống cấp nặng nề. Để có một Văn Miếu Quốc Tử Giám được tu bổ đẹp, khang trang như hôm nay là một hành trình dài gìn giữ và rất mẫu mực trong bảo tồn phát huy giá trị di sản. Nhiều năm gần đây, di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám là địa chỉ tìm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến Thủ đô Hà Nội. Để thu hút du khách, Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám đã có nhiều đổi mới để tiếp cận công chúng, đặc biệt là người trẻ, từ làm mới logo cho đến không gian trong di tích…
Không gian văn hóa Văn Miếu-Quốc Tử Giám là di tích nổi bật của Hà Nội. Ảnh: XUÂN KIÊU. |
Trong đại dịch COVID-19, Văn Miếu vẫn “mở cửa” phục vụ online, tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị các hoạt động, sản phẩm để sau khi hoạt động trở lại sẽ có ngay các sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách. Văn Miếu không đổi mới theo hướng làm mới giá trị truyền thống. Văn Miếu luôn cố gắng giữ gìn những gì thuộc về truyền thống và chỉ cố gắng đánh thức các giá trị truyền thống của di tích bằng những hình thức mới mẻ hơn. Tuy nhiên, việc chuyển tải những giá trị rất trừu tượng như tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo… đến công chúng vẫn còn nhiều thách thức. Để đưa những giá trị cốt lõi của di tích đến công chúng, để khách tham quan tiếp cận giá trị của không gian văn hoá Văn Miếu nói riêng, các không gian văn hoá của cả nước nói chung và nuôi dưỡng tình yêu với di sản thì còn rất nhiều việc phải làm, cần có thời gian, sự hỗ trợ, đồng hành của rất nhiều người.
Ông Trương Quốc Toàn, cố vấn hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cho rằng: Đối với Văn Miếu Quốc Tử Giám, du khách không chỉ đến đây với mong muốn được đến trước mỗi kỳ thi, mỗi dịp đầu xuân để cầu may mắn mà còn mong được hoà mình trong không gian văn hoá, với các hoạt động toạ đàm, giao lưu, trưng bày, trình diễn nghệ thuật.
“Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” ứng dụng công nghệ để đón khách trực tuyến.
Ảnh: tienphong.vn |
Chính vì vậy, để phát huy các giá trị văn hóa của Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giảm, du khách cần được tìm hiểu, tham gia vào các hoạt động trải nghiệm với các nội dung hấp dẫn.: "Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám có rất nhiều tiềm năng về văn hóa, lịch sử, bởi đây là nơi kết tinh các giá trị quốc học của Việt Nam thòi quân chủ phong kiến. Tuy nhiên đến nay những tiềm năng này mới chỉ được phát huy các giá trị rất nhỏ trong việc thăm quan du lịch.
Trong khu di tích này có hai yếu tố cấu thành và Văn miếu và Quốc tử giám nhưng khách thăm quan vào đây mới chỉ là hình dung được Văn Miếu như thế nào còn Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, chưa được thế hiện rõ nét. Trong tương lai, Văn Miếu cần phải được phát triển các hoạt động đa dạng hơn để thực sự trở thành một trung tâm văn hóa để giới trẻ đến đây có thể tham gia nhiều hoạt động văn hóa hữu ích khác như tọa đàm, giao lưu, triển lãm hay trình diễn nghệ thuật."
Tại Tọa đàm "Đánh thức tiềm năng văn hóa Việt" do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức sáng ngày 26/9, Ban tổ chức đã giới thiệu Dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” do Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện. Dự án nhằm đánh thức tiềm năng văn hoá Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và mong muốn duy trì và tái hiện văn hóa lịch sử giàu truyền thống của dân tộc Việt Nam cũng như quảng bá các hoạt động văn hóa giao lưu tại không gian văn hóa Quốc Tử Giám.
Bà Hoàng Đoan Trang, Đồng Chủ nhiệm Dự án Không gian văn hóa Quốc Tử Giám, cho biết: Để đưa di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành không gian văn hoá, nơi sinh hoạt chung của nhiều người lịch sử, địa điểm này cần có nhiều cách làm linh hoạt, sinh động, hấp dẫn.
"Được biết Trung tâm văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám có nhu cầu thực hiện những hoạt động để lan tỏa được những giá trị, truyền thống tốt đẹp của đạo học trong xã hội hiện đại, cũng như làm sao để đưa di tích thành không gian mở, thì cũng tôi cho rằng đây là một tiếng nói chung mà chúng tôi có thể thực hiện để làm sao đưa được những thông tin về văn hóa, lịch sử đến gần gũi hơn, thân thiện hơn, dễ cập nhật hơn với các bạn trẻ không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác. Chúng tôi đã cho ra đời Dự án Không gian văn hóa Quốc Tử Giám với thông điệp chung là đánh thức tiềm năng văn hóa Việt. Trong đó chú trọng khơi gợi tình yêu với những điều mà đã đồng hành với dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm qua.
Nhiều năm gần đây, để thu hút du khách, Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã có nhiều đổi mới để tiếp cận công chúng, đặc biệt là người trẻ, từ làm mới logo cho đến không gian trong di tích…
Trong bối cảnh Thành phố Hà Nội thực hiện “giãn cách” do đại dịch COVID-19, Ban quản lý Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám vẫn “mở cửa” phục vụ online, tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị các hoạt động, sản phẩm để sau khi hoạt động trở lại sẽ phục vụ tốt hơn các nhu cầu của công chúng. Với sự đồng hành của đông đảo các nhà khoa học, các bạn trẻ đam mê lịch sử và văn hóa đất nước, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang trơ nên gần gũi hơn với công chúng và nỗ lực trở thành trung tâm văn hóa xứng tầm của Hà Nội cũng như Việt Nam.