(VOV5) -Không chỉ Hữu Nghi, dân ca quan họ là dòng chảy, mạch ngầm văn hóa tại 17 làng quan họ khác nơi bờ bắc sông Cầu và nhiều làng quê trù mật của Bắc Giang
Năm 2009, Dân ca Quan họ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau 10 năm được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Bắc Ninh cái nôi của loại hình nghệ thuật truyền thống này đã thực hiện tốt các nội dung Việt Nam cam kết với UNESCO về bảo tồn Dân ca Quan họ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại cái nôi quan họ vùng Kinh Bắc, nơi bờ bắc sông Cầu với không gian văn hóa đậm đặc của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay, nhiều thế hệ liền anh, liền chị đã và đang lưu giữ kho tàng quan họ cổ, bảo tồn bền vững di sản trong đời sống hiện đại.
Festival Về miền quan họ 2019. - Ảnh Báo Bắc Ninh |
Tại Festival - Về miền Quan họ 2019 và kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được tổ chức ngày 23/2/2019 vừa qua, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định: 10 năm qua, Bắc Ninh đã thực hiện tốt các nội dung Việt Nam cam kết với UNESCO về bảo tồn Dân ca Quan họ, như truyền dạy, phục dựng không gian diễn xướng truyền thống, tuyên truyền quảng bá ra thế giới; đầu tư cơ sở vật chất.
Đặc biệt, Bắc Ninh là tỉnh đi đầu và duy nhất trong cả nước cho đến nay có chính sách trợ cấp hàng tháng cho nghệ nhân Dân ca Quan họ - những “báu vật” nhân văn sống. Quan họ đã mang một sức sống mới, hòa trong nhịp thở của thời đại.
Ý thức cộng đồng về giá trị của di sản ngày càng sâu sắc hơn. Giá trị truyền thống luôn là cội nguồn sức mạnh trường tồn: Quan họ đã mang một sức sống mới, hoà trong “nhịp thở của thời đại”. Tình người Quan họ luôn được nhắc đến như một bản sắc của vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc. Đáng quý nhất là ý thức của cộng đồng về giá trị của di sản ngày càng sâu sắc hơn. Đặc biệt, đó là tâm huyết của nhiều cá nhân và cả cộng đồng Quan họ: những nghệ nhân, anh hai, chị hai dốc lòng, dốc sức, ngày đêm miệt mài tình nguyện trao truyền nghề chơi; các chuyên gia nghiên cứu, nhà sưu tầm, nghệ sĩ, diễn viên... bằng tài năng, lòng say mê đã tận tâm, tận lực cống hiến để Quan họ được thăng hoa và tỏa sáng.
Từ chỗ chỉ có 49 làng Quan họ gốc và 34 câu lạc bộ, đến nay Bắc Ninh đã có 369 làng Quan họ thực hành, 381 câu lạc bộ với trên một vạn hội viên tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy. Quan họ đã lan tỏa, phát triển rộng khắp làng, xã, từng thôn xóm, góc phố, đã trở thành nét văn hóa đặc trưng bao trùm lên các lễ hội và sinh hoạt thường nhật trong đời sống của người dân.
Ở làng Hữu Nghi (xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) có câu lạc bộ quan họ duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt từ hơn 20 năm. Điều đặc biệt thành viên CLB phần nhiều là các cụ ông, cụ bà từ 65 đến 80 tuổi. Ngày thường, họ là nông dân, tiểu thương hay giáo viên về hưu. Thế nhưng, khi khoác lên mình bộ áo mớ ba mớ bảy, đội nón quai thao, cất lời đối đáp với đôi mắt lúng liếng, họ trở thành các liền anh liền chị thanh lịch, duyên dáng, bỏ quên mọi tất bật thường ngày. Bà Nguyễn Thị Mô và Nguyễn Thị Huấn, nay đã ở tuổi 80 là hai chị em ruột cùng sinh hoạt trong CLB. Hai bà kể: "Từ lúc bé cứ theo các chị, các bà chị thì cứ hát theo thôi. Khi còn nhỏ thì chưa có phong trào, giờ về hưu mới vào sinh hoạt câu lạc bộ. Làn điệu cổ hát khó nhưng ý nghĩa hay hơn, sâu sắc. ví dụ như bài Mời nước mời trầu, Đốt đỉnh nhang trầm, Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu”.
Ông Trần Văn Thể, Chủ nhiệm CLB cho biết: Ông vợ ông là nghệ nhân Nguyễn Thị Dần cùng nhiều nghệ nhân khác trong làng đã mở lớp truyền dạy cho mọi lứa tuổi say mê hát quan họ, đặc biệt là các cháu thiếu nhi. Ở Hữu Nghi, nhiều cháu mẫu giáo chưa biết chữ nhưng đã tập tành hát được đôi ba câu, nhiều gia đình 3,4 thế hệ cùng hát, các bạn thanh thiếu niên đam mê tiếp tục học ngành nghệ thuật, chuyên nghiệp, bài bản hơn: "Lớp trẻ ở làng cũng rất thích, phát triển chuyên sâu về quan họ, tiếp thu rất nhanh, nghe vài lần hát là hát được ngay, Các thế hệ trẻ vẫn phải thường xuyên luyện tập học hỏi để truyền lại cho các thế hệ sau này nữa”.
Thường xuyên, CLB tổ chức giao lưu với các làng khác, rồi dự hội hát của huyện Việt Yên, của tỉnh, quốc gia, nhiều nghệ nhân mang tiếng hát quan họ ra cả nước ngoài. Ngày hội làng nơi sân đình, gốc đa, liền anh liền chị có già có trẻ hòa tiếng hát tưng bừng, rộn rã.
Không chỉ Hữu Nghi, dân ca quan họ là dòng chảy, mạch ngầm văn hóa tại 17 làng quan họ khác nơi bờ bắc sông Cầu và nhiều làng quê trù mật của Bắc Giang. Theo ngành văn hóa Bắc Giang, có 10 nghệ nhân quan họ ưu tú được vinh danh nhưng có hàng trăm nghệ nhân khác tại các làng xã đang âm thầm gìn giữ những câu hát quan họ quê hương.