(VOV5) - Hàng thế kỷ đã trôi qua, đền Hoàng Lục vẫn còn đó bên dòng sông Quây Sơn như một địa chỉ văn hóa, lịch sử của đất nước.
Đền Hoàng Lục nằm ở xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được người dân xây dựng từ thế kỷ XI thờ An Biên tướng quân Hoàng Lục, vị tướng dân tộc Tày có công lao to lớn trong công cuộc chiến chống ngoại xâm. Công trình mang những giá trị văn hóa, lịch sử và ý nghĩa tâm linh đặc biệt nơi biên cương tổ quốc.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Hoàng Lục là một thủ lĩnh, một vị tướng tài dưới thời vua Lý Nhân Tông thế kỷ XI, có công lao lớn với đất nước trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 1076. Theo sử sách, ông sinh ngày 10 tháng 8 năm 1038 tại xã Lũng Đính thuộc châu Thượng Lang, nay là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh. Hoàng Lục được triều đình phong là An Biên tướng quân, giao trấn giữ một dải biên ải rộng lớn từ tỉnh Cao Bằng đến tỉnh Lạng Sơn ngày nay.
Đền Hoàng Lục nằm dưới những tán thông xanh trên đỉnh đồi Đoỏng Lình, cách biên giới Việt - Trung chừng 4 km. Đền thờ Hoàng Lục được khởi công xây dựng từ khi nào đến nay vẫn chưa rõ, song kiến trúc còn lại của ngôi đền là hai gian nhà cấp 4 (kiểu chữ nhị), khá rộng với diện tích khoảng 100 m2, cửa đền quay về hướng Nam, mái lợp ngói âm dương. Gian tiền đường và hậu cung được ngăn cách bằng một bức tường dày. Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, trước đây trong đền có tượng Hoàng Lục bằng đồng, hai bên có tượng quan văn, quan võ bằng đất và chuông đồng, hậu cung có nhiều bệ thờ và bát hương, nhưng các hiện vật này đã bị thất lạc. Giá trị còn lại của ngôi đền chính là ở chất liệu xây dựng. Đền được đắp trình tường bằng đất sét trộn với mật mía rất công phu.
Đền Hoàng Lục nép mình dưới những tán thông trên đỉnh Đoỏng Lình, tương truyền là nơi tướng quân Hoàng Lục đắp thành tập trận. |
Chị Vi Thị Thảo, cán bộ Văn hóa xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, cho biết: "Đền cơ bản đền còn giữ được nguyên bản những bức tường trình này. Theo các cụ xưa kể lại, khi xây dựng người dân đã dùng đất sét trộn mật mía đường phên, đóng khuôn ván sau đó dập, nện hỗn hợp đất đó, tạo thành các bức tường xung quanh."
Trước đây, lễ hội đền Hoàng Lục được tổ chức 2 lần mỗi năm vào rằm tháng Giêng âm lịch và mùa Thu. Ngày nay, Lễ hội đền Hoàng Lục tổ chức ngày 28/2 âm lịch. Phần hội là các trò chơi như tung còn, múa lân, hát giao duyên…
Ông Hà Đình Toàn, người dân xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Hàng năm, ngày 28/2 âm lịch bà con đến lễ rất đông. Nhà tôi ở gần đền Hoàng Lục nên cứ vài ngày lại lên thắp hương cho ông, rồi ngày rằm, mùng một đều lên. Ông Hoàng Lục là một tướng quân trấn giữ biên cương, chúng tôi rất tự hào về ông."
Năm 2004, đền Hoàng Lục được tỉnh Cao Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 4 sắc phong của triều Nguyễn phong cho những người canh giữ đền đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng. Nhiều năm qua, ngôi đền thu hút đông đảo du khách thập phương đến cầu lộc, cầu tài, cầu bình an. Theo quan niệm dân gian, đền Hoàng Lục chính là một trong số “Thập vị Quan Hoàng” theo tín ngưỡng thờ Mẫu.
Anh Hoàng Quang Trung, một du khách đến từ tỉnh Thái Nguyên, bày tỏ: "Tôi đánh giá đây là một ngôi đền rất linh thiêng, từ đền đến thác Bản Giốc cũng gần chỉ khoảng 30 cây số, thuận tiện cho hành trình du lịch của mình. Hàng năm tôi thu xếp thời gian để đến thắp hương đúng ngày chính lễ, sau đó xuôi qua Thác Bản Giốc. Tôi nghĩ đây là một tuyến du lịch rất hấp dẫn."
Ngôi đền vẫn giữ nguyên cấu trúc ban đầu gồm 2 gian nhà cấp 4 sắp xếp theo hình chữ Nhị. |
Noi gương Tướng quân Hoàng Lục, phát huy truyền thống yêu nước, những người dân Lũng Đính hôm nay đoàn kết một lòng, bảo vệ vững chắc từng tấc đất mà cha ông đã khai phá, giữ gìn.
Ông Hoàng Văn Thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, cho biết: "Nhân dân xã Đình Phong rất tự hào và biết ơn khi có vị tướng quân có công trấn ải biên cương. Phát huy truyền thống yêu nước, bà con xã Đình Phong luôn đoàn kết, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Bà con cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, đặc biệt là tích cực cùng nhau tham gia bảo vệ vững chắc tuyến biên giới dài hơn 7km qua địa bàn xã Đình Phong."
Hàng thế kỷ đã trôi qua, đền Hoàng Lục vẫn còn đó bên dòng sông Quây Sơn như một địa chỉ văn hóa, lịch sử của đất nước. Ngôi đền này đã được đầu tư, tôn tạo, ngày càng khang trang, đẹp đẽ.