(VOV5) - Với những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật quý báu, đình Tường Phiêu là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của xứ Đoài.
Nằm cách Thủ đô Hà Nội 40km về phía Tây, Đình Tường Phiêu ở làng Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, là di tích cổ kính nổi tiếng xứ Đoài. Đây là ngôi đình lớn nhất trong vùng, có kiến trúc độc đáo thời nhà Lê thế kỷ 17, 18. Đình Tường Phiêu được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 24/12/2018.
Đình Tường Phiêu được xây dựng được xây dựng năm 1435
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đình Tường Phiêu được khởi công xây dựng năm 1430, và được tu bổ nhiều lần từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 mới được to đẹp, khang trang như ngày nay. Đình Tường Phiêu thờ Thành Hoàng làng là Tản Viên Sơn Thánh (còn gọi là Sơn Tinh) và thờ Quán Sơn thành Hoàng, con rể của Vua Đinh Tiên Hoàng. Tản Viên Sơn Thánh là vị thần cai quản núi Tản Viên (tức núi Ba Vì) và cũng là vị Thánh đứng đầu trong hàng Tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gồm Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh.
Đình Tường Phiêu xây dựng hướng về Tây Nam, quay mặt hướng về ngọn núi Ba Vì, nơi có Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh.Tương truyền rằng trên chính mảnh đất này, vì thương dân làng nghèo khổ, lại chất phác thật thà, nên Tản Viên Sơn Thánh đã đến đây, dạy dân nghề trồng lúa và nghề bắt cá dập sào độc đáo(dùng cây sào lớn, mũi sào có rọ để bắt cá), nên dân làng có cuộc sống ấm no.
Ông Khuất Văn Thịnh, Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích văn hóa làng Tường Phiêu, kể: “Tương truyền năm 1432, Tản Viên Sơn Thánh về dậy dân làng đánh cá dập sào. 3 năm sau, Thánh về kiểm tra việc đánh cá dập sào của dân làng ra sao. Thánh cùng dân đi đánh cá đến tối Thánh ngự lại cùng dân làng liên hoan. Sau đó, dân làng đốt đuốc tổ chức lễ hội tiễn Thánh về núi Ba Vì. Khi Thánh về đến xóm Gò Lốc tự nhiên có một cơn lốc màu da cam, mây ngũ sắc cuốn Thánh về núi. Thấy thế dân làng thốt lên là Tường Phiêu, có nghĩa là cơn gió lành. Từ khi Thánh xuất hiện tên làng đổi tên là làng Tường Phiêu trước đó làng có tên là Kẻ Quéo, Kẻ Quýt, Kẻ Mơ”.
Đình Tường Phiêu là ngôi đình lớn nhất trong vùng, có kiến trúc độc đáo thời nhà Lê thế kỷ 17, 18
|
Đình Tường Phiêu có kiến trúc nghệ thuật khá đặc biệt, không dễ gặp ở bất kỳ ngôi đình nào khác. Đình dựng bằng gỗ lim, đá ong, đất nung, bao gồm 2 hạng mục chính là Nghi Môn và Đại Bái.Nghi Môn gồm hai trụ biểu, đế thắt cổ bồng, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, đắp nổi câu đối chữ Hán nội dung ca ngợi công lao của Tản Viên Sơn Thánh. Đại Bái là ngôi nhà 5 gian, 2 dĩ dài 20m, rộng 10m, vừa là nơi thờ tự vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của dân làng. Đại bái hình chữ Nhất, gian giữa có khám thờ Tản viên Sơn thánh được trạm trổ công phu với hình tượng lưỡng long chầu trời và hệ thống chấn song chạm rồng xoắn nổi thay cho con tiện, khác hẳn với các ngôi đình khác.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, người dân xã Tích Giang, sáng lập viên Câu lạc bộ phong thủy xứ Đoài, cho biết: “Giá trị kiến trúc nghệ thuật của Đình chủ yếu ở Đại Bái. Tòa Đại Bái như một ngôi nhà sàn lớn được cách điệu, uyển chuyển, mềm mại bởi hệ thống mái cong và các đầu đao cong vút. Trên bờ nóc đắp nổi Lưỡng long chầu trời. Đầu bờ nóc đắp nổi 2 con kìm, bờ dải có cặp sấu đối xứng nhau. Đình Tường Phiêu có mảng điêu khắc đặc biệt, đó là các đầu dư, bức cốn, xà nách… đều được trạm trổ công phu hình rồng, long mã, chim phượng, tiên nữ cưỡi rồng, cảnh đội lễ lên đình… Hiện nay đình Tường Phiêu còn lưu giữ một số hiện vật quý như 3 bộ kiệu, 3 bộ long ngai niên đại thế kỷ 18, nhang án niên đại thế kỷ 20, mâm ấu thế kỷ 19, 6 đạo sắc phong Vua ban”.
Lễ hội Đình Tường Phiêu 1 năm có 4 kỳ lễ, riêng lễ hội Rằm tháng Giêng âm lịch (tức ngày sinh của Tản Viên Sơn Thánh) là lễ hội lớn nhất trong năm kéo dài 3 ngày 14, 15, 16/1, chính hội 15/1. Ông Nguyễn Duy Túc, người dân làng Tường Phiêu, cho biết: “Năm nào cũng có lễ hội nhưng cứ 2 năm tổ chức to một lần. Những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu thì tổ chức lớn hơn mọi năm. Tế Thánh ở Đình. Phần hội có biểu diễn múa hát, chèo, tổ tôm, thi nấu cơm, vui chơi thể thao cầu lông, bóng bàn… Người dân các làng xung quanh và thị xã Sơn Tây tới lễ hội đông lắm”.
Trải qua biết bao thăng trầm cùng với những biến cố lịch sử, đình Tường Phiêu vẫn đứng trang nghiêm bên dòng sông Tích, trở thành chỗ dựa tinh thần để dân làng Tường Phiêu nhờ Thành hoàng làng - Tản Viên Sơn Thánh phù hộ, độ trì. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật quý báu, đình Tường Phiêu là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của xứ Đoài, xứng đáng là Di tích Quốc gia đặc biệt.