Giữ nghề truyền thống

(VOV5) - Phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân là chủ trương của tỉnh Bình Định.  Đó cũng là mong mỏi của mỗi người thợ ở các làng nghề trong tỉnh. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 



Trên các tuyến đường của thị xã An Nhơn, từng đoạn, lại thấy một phòng trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống đủ loại: từ bàn ghế, đến tượng phật, ngựa, cây cảnh... Anh Lê Tấn Lực, người dân ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn cho biết: đồ gỗ mỹ nghệ ở đây được tiêu thụ khá tốt. Người dân ở các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận cũng thường xuyên tới đặt hàng. Những năm gần đây, đời sống của người dân phần nào được cải thiện nhờ có nghề.


Giữ nghề truyền thống  - ảnh 1
Một sản phẩm chưa hoàn thiện của xưởng Anh Tý

 
Hai vợ chồng anh Nguyễn Thành Tý mở xưởng mang tên Anh Tý được một thời gian. Chàng thanh niên 27 tuổi vừa không ngừng tay, chăm chú chạm trổ một bức tượng với từng chi tiết nhỏ, vừa trả lời câu hỏi của chúng tôi. Anh Tý cho biết: anh phải dành thời gian vài năm học nghề rồi vài năm ra làm quen nghề rồi mới lập xưởng. Chưa thuê được thợ, nên anh là người làm chính và người vợ hỗ trợ anh trong mọi công việc khác. Anh Tý cho biết:
Suy nghĩ mở gần nhà để làm. Có thời gian để học đôi ba năm mới ra làm quen tay nghề. Sản phẩm gồm điêu khắc gỗ, tượng bao gồm tượng phật, cây cảnh, ngựa, đục, trảm điêu khắc gỗ..Hiện giờ khách đa phần ở Bình Định. Tháng trung bình, nếu có thợ nhanh và làm được nhiều sản phẩm, nhưng 1 mình thì được vài sản phẩm. Có thợ thì  nhẹ được công việc mình làm. Một tháng, thu nhập 5 đến 6 triệu. Thích nghề mình làm. Làm ra là khách tới lấy.


Giữ nghề truyền thống  - ảnh 2
Anh Nguyễn Thành  Tý với xưởng điêu khắc


Rời khỏi xưởng sản xuất Nguyễn Thành Tý, chúng tôi rẽ vào làng nghề rèn Tây Phương Danh cũng nằm trên địa bàn thị xã An Nhơn. Đi dọc con đường đã nghe những âm thanh rộn rã của máy móc từ các khu xưởng sản xuất phát ra. Vợ chồng anh chị Minh Tiết ở xóm Lò Rèn đang cùng với một vài công nhân thao tác trên máy sản xuất những dụng cụ cho ngành xây dựng như bay, cuốc. Chị Tiết cho biết, khi lấy chồng và về làm dâu mới bắt đầu học  nghề rèn. Còn anh Minh, từ nhỏ làm cho ba mẹ và bây giờ kế nghiệp nghề rèn truyền thống mấy chục năm của gia đình. Cuộc sống cũng đủ ăn, đủ tiêu, nuôi con cái đi học. Nhưng anh Minh tâm sự: nghề này làm ăn không đều, phụ thuộc vào mưa gió và hơn nữa ở đây, nhà nào cũng làm nên sức tiêu thụ cũng giảm hơn trước. Anh Minh nói: “ Nói chung làm đủ ăn. Công ngày đủ nuôi con ăn học, không dư dả lắm. Sản phẩm làm ra theo ngày công. Tiêu thụ có khi lấy nhiều, có khi lấy ít. Mưa thì nghỉ. Nói chung  1 tháng làm khoảng 15 đến 20 ngày. Hàng đây nhiều lắm, mở nhiều máy móc nhiều lắm nên mình làm không chạy như trước. Làm thủ công bằng tay. Bây giờ nói chung hàng đây ít chạy. Nhập ở nước ngoài làm bằng máy mình chạy theo không được”

Giữ nghề truyền thống  - ảnh 3
Anh: chị Minh Tiết ở xóm Lò Rèn


Đó cũng là điều mong mỏi của chị Phan Thị Hoa Sen, một người kế nghiệp nghề rèn của cha mẹ với suy nghĩ làm sao giữ được nghề truyền thống trước sự cạnh tranh của các sản phẩm  từ  Trung Quốc:
“Làm từ đời bố mẹ. Giờ làm nghề này. Làm cuốc xẻng. Do hàng Trung Quốc số lượng nhiều làm máy. Làm tay sản phẩm ít. Khách chủ yếu Gia Lai, Nha Trang, Tuy Hòa. Hiện nay, mười ngày nửa tháng làm vài ngày, không làm nhiều. Làm ít ăn hà tiện. Mong muốn nhờ các nơi  để chạy hàng, tiêu thụ được. Nhờ chính sách, cấp trên ủng hộ làm sao cho hàng hóa tiêu thụ được”.


Với anh Huỳnh Xuân Nga, một thợ làm bún tươi ở thôn Nghĩa Chánh đã gắn bó với nghề hơn chục năm, cho biết, muốn mở rộng thêm cơ sở thì cần thêm  nhân công và vốn đầu tư.  Còn như hiện nay thì cơ sở  hoạt động như vậy là tương đối ổn định cho dù là thu nhập cũng chỉ tạm ổn :
Ở thôn quê thì làm đủ sống. Chi phí làm bún cũng hơi mạnh. Buổi sáng 3 người làm chiều 4 người. Mức tiêu thụ hiện nay được. Ở đây 10 nhà thì có tới 4 đến 5 nhà làm bún rồi.


Giữ nghề truyền thống  - ảnh 4
Sản phẩm của xưởng sản xuất Lò Rèn


Những mong mỏi của thợ ở các làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Định cũng chính là trăn trở của lãnh đạo tỉnh. Đó là phải làm sao gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, góp phần tạo việc làm và đời sống cho người dân. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết: 
“Việc duy trì phát triển làng nghề là niềm trăn trở của lãnh đạo. Chúng tôi xây dựng chính sách phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Chúng tôi có chính sách hỗ trợ làng nghề, giao thông, để khách đến làng nghề nhiều hơn. Quy hoạch làng nghề, cây xanh, giữ vệ sinh. Du khách đến thấy làng nghề sạch đẹp. Chúng tôi hỗ trợ xây dựng khu trưng bày. Quảng bá giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống qua hội chợ. Cái khó là cạnh tranh các sản phẩm với Trung Quốc. Tới đây, tỉnh có chính sách động viên bà con cải tiến mẫu mã, tiết kiệm chi phí, đồng thời năng động liên kết tiêu thụ sản phẩm”.


Ngoài chính sách của tỉnh, cần sự năng động của mỗi một cơ sở nghề và của cả làng nghề trong việc đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó, có những giải pháp liên kết để  tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, nghề truyền thống nơi đây mới có thể được gìn giữ và phát triển. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác