(VOV5) - Tỉnh Hà Nam xác định làm sao các sản phẩm, dịch vụ du lịch phải đủ sức hút, để du khách không chỉ đến Hà Nam vào mùa xuân, mà cả bốn mùa trong năm.
Tháng 9 vừa qua, tỉnh Hà Nam lần đầu tiên được vinh danh là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á" năm 2024. Trước đó, năm 2023, tỉnh Hà Nam cũng được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là "Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới". Hiện, tỉnh Hà Nam đang đẩy mạnh đầu tư để nâng tầm thương hiệu điểm đến, hướng đến phát triển bền vững.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, cách thủ đô khoảng 65 km. Đây là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái và ẩm thực.
Những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách, như: Quần thể danh thắng tâm linh Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Bà Đanh, đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn, Vương Cung thánh đường Sở Kiện… Những làng nghề nổi tiếng như lụa Nha Xá, mây tre đan Ngọc Động, cá kho làng Vũ Đại…
Với kiến trúc độc đáo, không gian thanh tịnh hữu tình, Địa Tạng Phi Lai Tự, tọa lạc tại thôn Ninh Trung (xã Liêm Sơn, Thanh Liêm), được ví như “tiên cảnh” tại Hà Nam. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+ |
Với nhiều thế mạnh như vậy, bà Lê Thị Thủy, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam, khẳng định: "Hà Nam vinh dự được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là điểm đến Du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á, điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu Châu Á. Điều này cho thấy Hà Nam là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh, có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch mạnh mẽ."
Tuy nhiên, không bằng lòng với những điều kiện sẵn có và những thành quả đạt được, tỉnh Hà Nam đang triển khai nhiều ý tưởng lớn để thay đổi diện mạo đô thị, từng bước đưa Hà Nam thăng hạng, trở thành điểm đến tầm cỡ khu vực và thế giới. Cùng với loại hình du lịch tâm linh đang là thế mạnh của tỉnh, Hà Nam cũng đang chú trọng phát triển loại hình du lịch nông thôn, dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan tại địa phương.
Làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên, Hà Nam), là điểm đến khám phá, trải nghiệm lý tưởng đối với du khách. Ảnh: Thế Trang/Báo Hà Nam |
Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết: "Chúng tôi đang tập trung phát triển, số một là du lịch tâm linh, nhưng để thu hút nhiều du khách đến với tỉnh Hà Nam hơn thì phải có nhiều sản phẩm du lịch, trong đó du lịch nông nghiệp đang được tỉnh tập trung đầu tư. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Các mô hình du lịch này có các trải nghiệm nông nghiệp, thu hút khách đến để có thêm kiến thức về phát triển xanh, phát triển bền vững."
Để phát huy thương hiệu “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”, tỉnh Hà Nam đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư lớn mà dự án Sun Urban City của Tập đoàn SunGroup vừa khởi công tại thành phố Phủ Lý là một minh chứng. Trong tương lại gần, những câu chuyện văn hóa sẽ được tái hiện thông qua các lễ hội văn hóa, tinh hoa làng nghề, ẩm thực… Dự án này hứa hẹn sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, kết nối vùng và tạo sức hấp dẫn mới cho du lịch Hà Nam.
Ký kết thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa UBND tỉnh Hà Nam và một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước.
Ảnh: Đức Huy/Báo Hà Nam |
Ông Trương Quốc Huy cho biết thêm: "Chúng tôi quan tâm, mời gọi các nhà đầu tư có tầm cỡ, để đầu tư vào tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, gắn các sản phẩm du lịch chặt chẽ với nhau để làm sao thu hút được du khách trong và ngoài nước. Có như vậy, du lịch Hà Nam mới có thể phát triển bền vững."
Hà Nam đang đặt mục tiêu thu hút các nhà đầu tư đẳng cấp, ngoài SunGroup, Chính phủ cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Đồng Văn VI, tạo sức hấp dẫn cho Hà Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, phát triển sản phẩm du lịch liên vùng. Tỉnh xác định làm sao các sản phẩm, dịch vụ du lịch phải đủ sức hút, để du khách không chỉ đến Hà Nam vào mùa xuân, mà cả bốn mùa trong năm. Không chỉ đến các điểm du lịch tâm linh mà còn đến Hà Nam để trải nghiệm văn hóa địa phương, tham quan danh lam thắng cảnh, tận hưởng nhiều trải nghiệm mới.
Trước cơ hội bứt phá rất lớn của tỉnh Hà Nam, Cục phó Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho rằng:"Hà Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng các công cụ quảng bá hiện đại, ứng dụng công nghệ số để kết nối và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương ra toàn cầu. Thứ hai là khuyến khích đầu tư vào hạ tầng du lịch, từ hệ thống khách sạn, nhà hàng đến các khu vui chơi giải trí, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, phát triển du lịch thông minh, từ việc xây dựng hệ thống thông tin số hóa điểm đến, đến việc tạo ra các sản phẩm du lịch sáng tạo, hấp dẫn."
9 tháng năm nay, Hà Nam đã đón khoảng 4,2 triệu lượt du khách, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.
Với lợi thế về giao thông và thế mạnh du lịch sẵn có của địa phương, những dự án đã và đang triển khai sẽ góp phần gia tăng sức hút cho điểm đến Hà Nam và mục tiêu đón 5-6 triệu lượt khách trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón được 10 triệu lượt du khách và quan trọng là Hà Nam thực sự trở thành một điểm đến mà du khách trong nước và quốc tế không thể bỏ qua khi đến Việt Nam.