Hướng phát triển cho một làng nghề truyền thống

(VOV5)- Nằm cách Hà Nội khoảng 70km về phía Đông Nam, làng chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một trong những làng nghề cổ, nổi tiếng với những sản phẩm chạm khắc tinh xảo và có tính mỹ thuật cao.


Chưa đến cổng làng đã nghe thấy những âm thanh lách cách của gõ, đục, tiếng lạo xạo của giấy ráp, bào, cưa,… Hòa vào đó là tiếng nói, tiếng cười của những người thợ mộc mặt lấm tấm mồ hôi. Ông Tống Văn Minh, người làng La Xuyên, đã có hơn 20 tuổi nghề nói:
“Thôn La Xuyên, làng nghề từ trước đến giờ tiếp nối cứ đời cha đến đời ông làm. Từ đời nọ truyền đời kia. Có vốn thì mình mua gỗ về làm kinh doanh rồi bán.”

Hướng phát triển cho một làng nghề truyền thống - ảnh 1
Đình La Xuyên - Ảnh tapchidulich.com

Ông Phạm Ngọc Tuấn Chủ tịch Hiệp hội làng nghề La Xuyên cho biết: “ Không phải riêng La Xuyên có làng nghề nhưng nếu nói về La Xuyên thì truyền thống có nghề tủ chè sập gập gụ. Đồ gỗ là đồ gỗ mỹ nghệ, chủ yếu là thủ công. Đặc thù khác ở chỗ người ta làm, không nơi nào, không ai nhái được bí quyết của làng nghề bởi vì từ hoa văn, con giống có hồn và sắc.”


Làng nghề mộc La Xuyên đến nay đã có khoảng 1000 năm tuổi. Theo thần tích của làng, vào thời nhà Đinh, nghề mộc được chuộng, nhằm phục vụ cho việc trang trí nội ngoại thất cho các lâu đài, cung điện. Trong số những thợ giỏi của làng có ông Đinh Hữu Hưng (936-1020), quê ở xã Chi Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông sinh ra trong gia đình nối đời làm thợ mộc; là người tài chí lớn, được vua trọng dụng. Triều đình sắc phong ông là Dinh điền quan Lão La đại thần. Vùng Cái Nành (tức làng La Xuyên ngày nay) là nơi ông được vua ban cho để mở mang làng nghề chạm khắc gỗ. Ông Phạm Văn Tòng, trưởng thôn La Xuyên tự hào kể về lịch sử làng nghề::“Ông Ninh Hữu Hưng có nghề truyền nghề, đời truyền đời là nghề mộc. Ông về đây cùng dân làng đã mở mang ngành nghề, nhất là nghề mộc, chạm khắc gỗ. Trước đây, nhiều tốp thợ phò vua để xây cung, đền thờ miếu mạo ví dụ như cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Dầu- Hà Nội, sang cả An Lão, Hải Phòng... Những hoành phi câu đối, nhang án, đại tự và tất cả đồ thờ thể hiện bàn tay khéo léo và tinh thần của người thợ La Xuyên.

Hướng phát triển cho một làng nghề truyền thống - ảnh 2
Đồ gỗ La Xuyên - Nam Định

Làng nghề La Xuyên hiện đang phát triển theo hướng tập trung, mở rộng quy mô sản xuất ; xây dựng, khẳng định thương hiệu ở trong và ngoài nước. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề La Xuyên cho biết: « Năm 2004 mới có tầm 14, 15 doanh nghiệp, công ty, sau đó thành lập Hiệp hội theo cấp độ làng nghề. Năm 2012, hơn 25 công ty, doanh nghiệp nằm trên địa bàn La Xuyên phát triển, hoạt động kinh tế tương đối đều. Có những công ty doanh nghiệp phát triển lớn, tổng thu nhập mỗi năm khoảng 25-30 tỉ, công ty doanh nghiệp thấp nhất, một năm tổng thu nhập từ 3-4 tỉ.»


Năm 2004, tỉnh Nam Định quy hoạch hai cụm công nghiệp ở xã Yên Ninh, tập trung sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ. Cụm công nghiệp I ở địa bàn La Xuyên, cụm công nghiệp II nằm trên quốc lộ 10 liên tỉnh. Tổng diện tích khoảng 16 ha, quy tụ hơn 25 doanh nghiệp và hơn 1000 cơ sở sản xuất.

Ngoài ra, làng đã liên kết, hỗ trợ đào tạo thực hành với các trường nghề, các công ty, doanh nghiệp. Các lớp dạy nghề được mở trong hợp tác xã, thu hút khoảng 100 học viên đến từ các xã khác nhau trong địa bàn huyện Ý Yên. Ông Nguyễn Văn Sinh, chủ nhiệm hợp tác xã Đồng Tâm cho biết :«Mỗi năm  cứ vào 100 học sinh, ra 100 thợ. Ở đây chúng tôi dạy ba nghề, một là nghề mộc, hai là chạm khắc gỗ, ba là khảm trai. Khảm trai số lượng ít hơn nghề mộc và chạm khắc gỗ. Mấy năm vừa rồi giao cho công ty Hòa Phát Hà Nội được hai lớp, gần 100 em thành công nhân. Đầu ra ở địa bàn làng nghề không khó. Học sinh ra trường đều có công ăn việc làm hết.»


«Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh », nghề chạm khắc gỗ của La Xuyên từ bao đời nay vẫn được rèn dũa, truyền đời. Con em trong làng được định hướng nghề từ khi còn nhỏ. Ông Phạm Văn Tòng trưởng thôn La Xuyên nói thêm: «Giai nhân con cháu Cái Nành/ Dẫu không khoa bảng cũng thành nghệ nhân ». So với các đất nghề như Đồng Kỵ, Hà Bắc hay An Lão, Hải Phòng về nét tinh xảo, làng La Xuyên có những nét riêng, rất độc đáo nên người ta rất quý trọng. »


«Ruộng bề bề không bằng cái nghề trong tay ». Việc truyền nghề cho thế hệ trẻ của làng đem lại cơ hội và phương tiện bền vững để họ có việc làm ổn định, lập thân, lập nghiệp bền vững. Đó cũng là hướng đi đúng để giữ gìn và phát triển làng nghề, khẳng định thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên.

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác