Khám phá di tích quốc gia nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

(VOV5) - Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại số 255A, đường Nguyễn Huệ, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, được công nhận là di tích quốc gia năm 2009. Đây là một trong những công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngôi nhà cổ này còn nổi tiếng bởi liên quan với một cuộc tình không biên giới của chủ nhân ngôi nhà chàng công tử người Việt gốc Hoa Huỳnh Thủy Lê với nữ văn sĩ nổi tiếng người Pháp Marguerite Duras vào những năm đầu thế kỷ XX.

Khám phá di tích quốc gia nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - ảnh 1

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của Huỳnh Thủy Lê), một thương gia người Hoa nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc, xây dựng vào năm 1895 giữa khu buôn bán sầm uất ven sông Sa Đéc. Đến năm 1917, chủ nhân trùng tu lại ngôi nhà. Chủ nhân ngôi nhà ông Huỳnh Thủy Lê mất năm 1972, Sau khi ông Lê mất, vợ con ông ra nước ngoài đình cư, nhà bỏ trống. Năm 1975 ngôi nhà là cơ quan chính quyền và đến năm 2007 ngôi nhà trở thành điểm di tích tham quan đón khách du lịch.

Khám phá di tích quốc gia nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - ảnh 2

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một ngôi nhà ba gian kiểu truyền thống miền Tây Nam Bộ, bề ngoài trông như một ngôi biệt thự kiến trúc Pháp, nhưng vào bên trong, lại thấy một lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa. Mái nhà lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc bộ nhằm tạo nét mềm mại cho mái. Diện tích nhà không lớn, nội thất sang trọng, chia làm 3 gian, phần ngoài thờ tự và tiếp khách, phần trong là các phòng ngủ.

Chị Lâm Thị Hồng Diễm, hướng dẫn viên ở nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, cho biết: “Tất cả gạch xây nhà đều nhập từ Pháp về. Những bao lam ở đây là kiến trúc của người Hoa được làm bằng gỗ. Tất cả gỗ quý trong nhà đều được nhập ở Campuchia. Sàn ở giữa hơi bị trũng đó là do xây theo lối phong thủy của người Hoa vì theo người Hoa thì có nước là có tiền mà nước thì thường chảy vào chỗ trũng. Do vậy người ta cố tình làm trũng như thế để nước vào nhà, tức là tiền vào nhà. Do chủ nhân là người Hoa nên ở giữa nhà có thờ Quan Công. Bức tranh Quan Công được ba ông Huỳnh Thủy Lê mướn thợ ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc về đây vẽ. Bức tranh này là một trong những bức tranh đẹp nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngày xưa nhà có 4 phòng ngủ nhưng hiện nay chỉ lưu giữ được 2 phòng ngủ và hiện nay có dịch vụ homestay ở đây”.

Khám phá di tích quốc gia nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - ảnh 3

Không gian bên trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Trước đây toàn bộ ngôi nhà diện tích hơn 2000 m2 gồm nhà chính, gara để ô tô, gian bếp, sân vườn, 2 mặt tiền hướng ra đường Nguyễn Huệ và đường Trần Hưng Đạo nhưng do quá trình đô thị hóa nên hiện chỉ còn giữ được ngôi nhà chính diện tích 258 m2. Các bao lơn (chỗ nhô ra ngoài tầng gác, có cửa thông với phòng trong và có lan can quây chung quanh) sơn son thếp vàng, chạm khắc rất giống như chùa người Hoa, thể hiện sự quyền quý của những gia đình giàu có ngày xưa. Khung bao lơn chính giữa có chạm đôi Loan Phụng có ý nghĩa là hạnh phúc trường tồn. Các khung bao hai bên chạm trổ chim muông, hoa lá thể hiện sự sung túc của gia đình. Các cửa gỗ, các loại tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất công phu, tinh xảo. Những đồ dùng trong gia đình như tủ rượu, những bộ ấm, bình, đèn, máy hát, tivi… vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Lần đầu tiên đến du lịch Việt Nam, sau khi tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, ông Xavier Lloansi, du khách Bacerlona, Tây Ban Nha, cảm nhận: “Ngôi nhà này rất đẹp bởi vì kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây một cách hài hòa. Đối với du khách chúng tôi đây là ngôi nhà rất khác biệt so với những ngôi nhà mà tôi đã từng xem trước đó. Chúng tôi thích thăm những căn nhà có kiến trúc đơn giản, thích tìm hiểu về cuộc sống người địa phương. Tôi được biết căn nhà này của một thương nhân giàu có nên ngôi nhà này rất đặc biệt”.

Khám phá di tích quốc gia nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - ảnh 4

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng nhờ vào cuốn tiểu thuyết “Người tình” và bộ phim “Người tình”, kể về mối tình có thật của Huỳnh Thủy Lê với nhà văn người Pháp Marguerite Duras. Song vì sự khác biệt văn hóa Đông - Tây và không môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, người cha của Huỳnh Thủy Lê không cho hai người cưới nhau. Mối tình chỉ kéo dài 18 tháng. Trở về Pháp, nữ văn sĩ Marguerite Duras viết cuốn tiểu thuyết “Người tình”, kể lại câu chuyện tình hơn 50 năm trước tưởng như đã ngủ yên trong lòng. Tác phẩm đoạt giải Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp). 

Chị Lâm Thị Hồng Diễm, hướng dẫn viên ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, kể: “Cuốn tiểu thuyết được dịch ra 43 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim cũng rất nổi tiếng trên thế giới. Phim được quay 2 năm 1990, 1991, công chiếu 1992 do đạo diễn người Pháp Jean Jaques Annaud thực hiện. Bộ phim được quay một số cảnh ở Việt Nam như Sài Gòn, Cần Thơ, Sa Đéc nhưng không quay ở ngôi nhà này. Đoàn làm phim phải mượn ngôi nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ để quay phim. Chia tay bà Marguerite Duras, ông Huỳnh Thủy Lê cưới một cô vợ người Việt Nam, đó là bà Nguyễn Thị Mỹ quê ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang theo sự sắp đặt của ba ông. Ông Lê sống ở Việt Nam cũng khá là hạnh phúc, vợ chồng ông có 5 người con và tất cả các con đều đi du học ở Pháp”.

Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ngày nay là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến tỉnh Đồng Tháp. Đa số du khách nước ngoài tới đây đều biết đến ngôi nhà này qua cuốn tiểu thuyết “Người tình” hay bộ phim cùng tên. Họ tới đây không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi nhà mà còn để cảm nhận được sức sống mãnh liệt từ câu chuyện tình lãng mạn, ngắn ngủi nhưng bất diệt ấy.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác