(VOV5) - Học sinh được các nghệ sĩ – giáo viên truyền đạt kiến thức cơ bản về lịch sử, nguồn gốc, giá trị bài chòi với các điệu lý đặc trưng, các câu thai ý nghĩa của bài chòi.
Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 12-2017. Ðây là nguồn động lực để các địa phương trong khu vực xây dựng, triển khai đồng bộ các kế hoạch, chương trình gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị di sản trong cộng đồng. Ðưa bài chòi vào trường học, dựng vở diễn, tổ chức lại các câu lạc bộ nòng cốt bài chòi… là những việc đang được triển khai đồng bộ tại thành phố Ðà Nẵng, góp phần lan tỏa giá trị di sản.
Học sinh hô hát bài chòi tại Lễ hội đình làng Túy Loan, huyện Hòa Vang, thành phố Ðà Nẵng. - Ảnh: nhandan |
Nghe âm thanh tại đây:
Mùa hè vừa qua đầy ý nghĩa đối với nhiều học sinh ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Ðà Nẵng khi được tham gia khóa học hô hát bài chòi. Ðã hơn hai tháng qua, đều đặn hai buổi/tuần, đông đảo học sinh các trường: THCS Huỳnh Bá Chánh, Lê Lợi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Ðại Nghĩa… háo hức đến trường để học bài chòi. Chính các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Ðà Nẵng hướng dẫn, dạy các em, bằng những tâm huyết, sự say mê của họ trong việc trao truyền những câu hô, câu thai, nhịp tiền, nhịp phách. Học sinh được các nghệ sĩ – giáo viên truyền đạt kiến thức cơ bản về lịch sử, nguồn gốc, giá trị bài chòi với các điệu lý đặc trưng, các câu thai ý nghĩa của bài chòi như: Xàng xê, Xuân nữ, Nam xuân, Hò Quảng… Em Trần Thị Thu Thảo, học sinh lớp 8/4 trường Lê Lợi cho biết Em học bài chòi từ những ngày đầu tiên trường mở lớp. Gần hai tháng qua, mỗi ngày đến lớp là một ngày hào hứng: “Khi được tham gia vào lớp học này em rất háo hức. Em đã được học các câu hô hát bài chòi. Ngoài ra còn được học con cờ như con cờ Nhất trò, con cờ Ông ầm. Em mong muốn sau này có thể được trình diễn bài chòi trong những chương trình văn nghệ của lớp”.
Là một ca sĩ nhí của lớp, nằm trong đội văn nghệ của trường, cho nên niềm đam mê ca hát của Thu Thảo cứ đầy thêm sau mỗi lần nghe các nghệ nhân hò hô bài chòi với những điệu dân ca mềm mại.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên âm nhạc, chủ nhiệm lớp bài chòi Trường THCS Lê Lợi cho biết cô rất hào hứng khi tham gia giảng dạy tại lớp học bài chòi, các học sinh của trường tham gia học đông và nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phụ huynh. Mỗi giờ học cả cô và trò được tiếp nhận một nguồn năng lượng mới và thật sự trân trọng hơn giá trị của nghệ thuật bài chòi.
Nghệ nhân Trịnh Công Sơn giảng dạy bài chòi ở trường Lê Lợi, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
|
Nghệ nhân Ưu tú, đạo diễn Trịnh Công Sơn, Chủ nhiệm CLB dân ca bài chòi của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Ðà Nẵng và vợ là nghệ nhân Trần Thị Mỹ Lệ chuyên vào vai “chị Hiếu” trong hô hát bài chòi, là những người truyền lửa của dự án đưa bài chòi vào trường học đang triển khai tại thành phố Ðà Nẵng. Suốt những tháng hè, hai nghệ sĩ – nghệ nhân đã sắp xếp thời gian và tham gia hầu hết các buổi lên lớp tại các trường THCS: Huỳnh Bá Chánh, Lê Lợi. Sự say mê, hồn nhiên của các em trong lời hô, câu hát có thể chưa hay, chưa nhuyễn nhưng đó là niềm vui của những người trao truyền như chúng tôi, để có thể hy vọng về một lớp học trò kế cận.
Nghệ sỹ Trịnh Công Sơn nhấn mạnh khi nghệ thuật bài chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì trách nhiệm của người là rất lớn, mà điều đầu tiên là trách nhiệm với lớp trẻ. Phải thổi vào các em tình yêu bài chòi, mới có thể trao dạy cho các em về bài chòi, qua đó, lan tỏa ngọn lửa đam mê đến tất cả mọi người: “Sau khi chúng tôi truyền đạt lại cho các em thì niềm hạnh phúc đến với tôi là vô biên. Cứ sau một lần tổng kết thì các em hát dễ thương lắm, biểu diễn dễ thương lắm! Không thua gì diễn viên chuyên nghiệp”.
Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nhân loại nghệ thuật bài chòi, ngành văn hóa Ðà Nẵng đang triển khai từng bước để quảng bá, đưa bài chòi vào đời sống và là món ăn tinh thần của cộng đồng. Các câu lạc bộ bài chòi trên toàn thành phố đang được tổ chức lại và hoạt động thường xuyên hơn cùng các khóa học bài chòi được mở ở nhiều quận, huyện dành cho học sinh đam mê âm nhạc truyền thống của dân tộc. Với sự hỗ trợ của các ban, ngành, nhiều lượt tập huấn cho giáo viên âm nhạc, cán bộ phụ trách công tác Ðoàn Ðội về kỹ năng hô hát bài chòi được triển khai. Trong những ngày hội văn hóa dân gian ở nhiều trường phổ thông, chính các học sinh đã dàn dựng nhiều tiết mục bài chòi sôi động, hấp dẫn. Ðó cũng là cách để đưa bài chòi gần hơn với sinh hoạt đời thường. Ông Trần Văn Hồng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, cho biết tới đây, ngành giáo dục sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần đưa hình thức diễn xướng dân gian này sống mãi với thời gian: “Bên cạnh phát huy những nhân tố này thì sẽ nhân rộng vào các tiết học trong năm học. Cụ thể là đưa vào phần học tự chọn của môn âm nhạc. Từ những nhân tố này sẽ nhân rộng tình yêu đối với dân ca đặc biệt là bài chòi”.
Từ các làn điệu, lời ca bình dị ngọt ngào, gần gũi với đời sống của nhân dân lao động, bài chòi đã đi vào lòng người, trở thành món ăn tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Là một loại hình văn hóa phi vật thể có tính sáng tạo, nghệ thuật diễn xướng mang tính ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất văn học, bài chòi mang đậm tính giáo dục hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp. Trong dòng chảy của văn hóa hiện đại, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như bài chòi phải được bảo tồn cấp bách. Không chỉ riêng Ðà Nẵng mà các địa phương cùng chung di sản bài chòi ở miền trung đã và đang từng bước triển khai các giải pháp bảo tồn, phát triển.