Liên kết phát huy giá trị những miền di sản Việt Bắc

(VOV5) - Nằm ở phía đông bắc của Việt Nam, trải rộng trên địa bàn 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang, Việt Bắc là miền đất hùng vĩ, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Sau 8 năm triển khai, chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” mang lại nhiều kết quả, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển du lịch của vùng. 

Liên kết phát huy giá trị những miền di sản Việt Bắc - ảnh 1
Cây đa Tân Trào - một trong những điểm đến hấp dẫn của Tuyên Quang

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Trong giai đoạn 2009-2015, tổng số khách du lịch đến 6 tỉnh Việt Bắc là gần 33 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng trên 16%/năm. Tính đến hết tháng 7/2016, trên địa bàn 6 tỉnh có gần 1.200 cơ sở lưu trú, trong đó có 270 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1-4 sao. Tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch của 6 tỉnh giai đoạn này ước đạt trên 35.000 tỷ đồng. Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết: “Dư địa phát triển du lịch và nhu cầu phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc là rất lớn. Trước hết, chúng ta phải xác định vai trò quản lý nhà nước, vai trò chính quyền trong phát triển du lịch. Các địa phương muốn có các doanh nghiệp phát triển, muốn có sản phẩm du lịch thì phải có những cơ chế phù hợp, thu hút các dự án, thu hút nguồn vốn vào địa phương mình. Ở địa phương nào có chính sách hấp dẫn, kéo được các nhà đầu tư chiến lược, tạo thành những cú hích về sản phẩm chủ đạo thì ở tỉnh đó du lịch phát triển”.

Liên kết phát huy giá trị những miền di sản Việt Bắc - ảnh 2
Núi Đôi Cô Tiên nhìn từ cổng trời Quản Bạ (Ảnh: hagiang.gov)

Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã tạo hiệu ứng tích cực đối với ngành du lịch 6 tỉnh Việt Bắc. Nhờ liên kết quảng bá mà sản phẩm du lịch của các địa phương đến được với du khách ngày một nhiều hơn. Ví dụ như Hà Giang, từ một tỉnh xa xôi ít ai biết, nay đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách với các sản phẩm du lịch đặc trưng như: điểm tham quan lịch sử Cột cờ Lũng Cú, Cao nguyên đá Đồng Văn, Lễ hội Hoa tam giác mạch, Chợ phiên Đồng Văn, Làng văn hoá du lịch Nà Trào… Lượng khách du lịch đến Hà Giang ngày càng tăng. Từ năm 2009 đến 2015, tỉnh đón trên 3,2 triệu lượt khách, riêng khách quốc tế đạt 662 nghìn lượt, chiếm tỉ lệ khách quốc tế đến tỉnh cao nhất trong vùng. Ông Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết: 
“Di sản văn hoá Việt Bắc rất đa dạng. Vì vậy các tỉnh đã bám sát vào thế mạnh này để khai thác hiệu quả. Đặc biệt là khai thác di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc. Đối với Hà Giang, chúng tôi đặc biệt quan tâm liên kết với các tỉnh trong khu vực. Trước hết, xây dựng các tour tuyến du lịch theo vùng miền giữa các tỉnh. Thứ hai, chúng tôi mời gọi các tập đoàn lớn có thương hiệu đến với Hà Giang cũng như các tỉnh trong khu vực để đầu tư cho lĩnh vục du lịch”.

Xúc tiến quảng bá du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc. Hàng năm, các tỉnh luân phiên đăng cai tổ chức chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, tạo ấn tượng với du khách về sự hấp dẫn của du lịch Việt Bắc, thu hút sự quan tâm của các công ty lữ hành, các nhà đầu tư du lịch. Đó là cơ sở để du lịch các tỉnh Việt Bắc tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Ông Trần Kiên Cường, Giám đốc phát triển dự án của Tập đoàn Vingroup, cho biết: 
“Tôi mong muốn 6 tỉnh Việt Bắc không chỉ có hoạt động thường niên, mà phải trở thành các hoạt động thường xuyên. Các hoạt động thường xuyên ở vùng cao đặc điểm là có các lễ hội về chợ, sinh hoạt cộng đồng. Trong 6 tỉnh Việt Bắc, Cao Bằng là tỉnh xa nhất, 5 tỉnh còn lại thì không có trở ngại gì, đường đi lên khá thuận tiện. Sắp tới, còn có đường cao tốc, nối liền với các tỉnh Việt Bắc thì chúng ta khai thác các tuyến này”.

Liên kết phát huy giá trị những miền di sản Việt Bắc - ảnh 3
Ảnh: Ngô Trí Thành

Khi tham gia chương trình liên kết, các địa phương nhận ra ưu thế cũng như nhược điểm để điều chỉnh kịp thời chiến lược phát triển du lịch của tỉnh mình, đồng thời nhân rộng những mô hình thành công, chung tay xây dựng Việt Bắc trở thành vùng du lịch hấp dẫn. Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, cho biết: 
“Sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh là rất quan trọng. Các cấp ở địa phương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện làm sao phát triển được kinh tế du lịch. Tuyên Quang chọn du lịch là một trong 3 lĩnh vực đột phá gồm công nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hoá và du lịch”.

Hợp tác, liên kết phát triển du lịch là xu hướng tất yếu để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Điều này đã được các tỉnh Việt Bắc thực hiện tốt. Một vùng thiên nhiên kỳ vỹ với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như Cao nguyên đá Đồng Văn, hồ Ba Bể, thác bản Giốc, Chiến khu Việt Bắc… đang ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, khám phá.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác