(VOV5) -Khi buồn, khi vui người Mông đều mang khèn ra thổi.
Hà Giang là một trong 13 tỉnh của cả nước được công nhận về bảo tồn, phát huy và giữ gìn văn hóa khèn Mông. Kết quả này có đóng góp rất lớn của các nghệ nhân trong việc gìn giữ, lưu truyền nguồn gốc của cây khèn. Nghệ nhân khèn Mông Ma Khải Sò, người có uy tín trong đồng bào Mông Hà Giang, một nghệ nhân rất tâm huyết, coi khèn như là linh hồn của người Mông, là một ví dụ.
Nghe âm thanh bài viết tai đây:
Sinh ra và lớn lên ở xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, từ nhỏ ông Ma Khải Sò đã gắn bó với khèn Mông, thấm đượm giai điệu của khèn từ ông nội và cha của mình. Từ năm 15 tuổi ông đã biết thổi những nốt nhạc đầu tiên trong bài khèn gốc (người Mông gọi là jax ntir) mà khi học khèn ai cũng phải học qua bài này. Những năm ông làm cán bộ Mặt trận, cha của ông Sò cũng là một nghệ nhân thổi khèn rất giỏi ở bản, luôn dành thời gian truyền dạy cho con trai mình thổi và múa khèn Mông. Đến khi nghỉ hưu ông Ma Khải Sò tiếp tục nghiên cứu về khèn Mông, học thổi thành bài khèn.
Nghệ nhân khèn Ma Khải Sò được coi là người gìn giữ văn hóa cho người Mông |
Ông Sò kể về nguồn gốc khèn Mông: " Chuyện kể rằng có 7 anh em thổi sáo rất giỏi, khi bố mẹ mất mỗi người ngồi một góc thổi than khóc cha mẹ, công việc đám tang không ai quán xuyến. Thấy vậy 7 anh em ngồi bàn nhau gộp 7 ống trúc thành một để một người thổi gọi là khèn ( kênhx). Trong thời gian đó có một người trong 7 anh em mất vì vậy khèn Mông chỉ còn được ghép bởi 6 ống trúc có độ dài ngắn khác nhau tượng trưng cho 6 anh em. Chiếc khèn ra đời từ đó.
Cũng theo lời kể của ông Sò, người Mông thích thổi khèn, thích múa khèn và nghe tiếng khèn, bởi khèn thể hiện lịch sử của một dân tộc, tình mẫu tử, nghĩa tình anh em và lẽ sống làm người của dân tộc Mông. " Cho đến nay chưa ai thống kê được có bao nhiêu lời ca khèn. Qua truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác thì có 4 loại nhạc (sơ nhạc, tiểu nhạc, trung nhạc và đại nhạc). Tương ứng với 4 loại nhạc người ta phân ra 4 loại lời ca: lời ca gốc, lời ca giao duyên, lời ca đưa đón đám ma và lời ca tế trâu bò...trong đó lời ca gốc là quan trọng nhất, ở đâu trên thế giới cũng thổi giống nhau. Khèn có từ chế độ nông nô, nhưng chưa phát triển, khi chuyển lên chế độ phong kiến khèn Mông bắt đầu phát triển, mới có những nhóm kỹ sư chế tác ra khèn Mông”.
Năm nay dù đã bước sang tuổi 89, ông Ma Khải Sò vẫn canh cánh giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua tiếng khèn. Ngoài 20 người trẻ ở bản được ông truyền dạy thổi và múa khèn, ông Ma Khải Sò còn tham gia nhiều lớp dạy khèn ở các địa phương trong tỉnh, với số học viên khoảng trên 100 người. Ông cũng dạy, tập huấn cho các thí sinh đại diện tỉnh Hà Giang đi thi trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc vừa qua. Đến nay đã có rất nhiều người thổi và múa khèn thành thạo khi được ông chỉ dạy.
Nghệ nhân khèn Ma Khải Sò với cây Khèn Mông |
Anh Vàng Sào Hùng, ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, một học trò của ông Sò, cho biết:“ Là một người trẻ tuổi, tôi rất thích văn hóa khèn của dân tộc mình. Tôi được ông Ma Khải Sò dạy thổi khèn, tôi rất thích. Tôi sẽ học hết những bài khèn để tiếp tục gìn giữ những bài khèn này vì những bài khèn này rất quan trọng với đồng bào Mông và sẽ được dùng từ đời này qua đời khác. Tôi rất cảm ơn ông Sò đã rất tâm huyết chỉ dạy cho tôi”.
Những bài khèn Mông với lời ca thắm thiết, da diết lòng người. Khi buồn, khi vui người Mông đều mang khèn ra thổi. Tiếng khèn du dương ấy mãi vang vọng khắp núi rừng khi có những người con của đồng bào Mông như nghệ nhân Ma Khải Sò luôn trách nhiệm gìn giữ, lưu truyền văn hóa dân tộc.