Người phụ nữ đam mê nghiên cứu khoa học phục vụ ngành y

(VOV5) - Tại lễ trao giải thưởng Kova hồi đầu tháng 11/2013, Đề tài "Nghiên cứu chế tạo keo phẫu thuật y tế” và “Nghiên cứu điều chế, đánh giá độ an toàn của keo phẫu thuật dùng trong y tế” của Kỹ sư Cao Thị Vân Điểm, Nguyên Phó viện trưởng phụ trách Viện trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, nhận được nhận giải thưởng về lĩnh vực khoa học công nghệ. Phóng viên Thu Hằng có bài viết: Người phụ nữ đam mê nghiên cứu khoa học phục vụ ngành y.


Người phụ nữ đam mê nghiên cứu khoa học phục vụ ngành y - ảnh 1



Nghe nội dung chi tiết tại đây:




 Năm 1979, sau khi tốt nghiệp khoa Hóa học các hợp chất polyme, trường Đại học Bách khoa, chị Cao Thị Vân Điểm về công tác Bộ Văn hóa và thực hiên công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên với đề tài nghiên cứu chế tại phim ảnh và giấy ảnh. Sau 1 năm, chị được phân công nghiên cứu chế tạo phim XQ. Vì đề tài nghiên cứu phim XQ liên quan nhiều đến y tế, nên năm 1983, chị chuyển sang Bộ Y tế, làm việc tại Viện Trang thiết bị và công trình y tế. Hơn 20 năm làm việc tại đây, công việc chính của chị là chuyên nghiên cứu về những thiết bị y tế phục vụ công tác ngành y. Chị Vân Điểm nhớ lại Công trình đều tiên tôi nghiên cứu là chế tạo chỉ khâu phẫu thuật. Đây là đề tài nghiên cứu và có tính ứng dụng cao nhất, bắt đầu từ năm 1983 và đến năm 1986 chính thức đưa vào sản xuất. Sản phẩm này đưa vào phục vụ ngành y tế trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước từ 1986 đến 2006. Gần 20 năm, sản phẩm đó đã cung cấp cho ngành y tế, các bệnh viện được sử dụng vật liệu mới với thời gian tương đối dài, phục vụ khâu phẫu thuật bên trong và phẫu thuật thẩm mỹ.

Những gian nan, vất vả nhất khi nghiên cứu về chỉ khâu phẫu thuật, đó là việc tìm nguồn nguyên liệu. Chị kể, phải mất hàng năm trời, cứ 2, 3 giờ sáng, chị lại đạp xe cả chục cây số đến các chợ đầu mối chọn và thu mua nguyên liệu là ruột lợn, ruột trâu bò làm nguyên liệu nghiên cứu. Mua xong, mang về nhà sơ chế, có những khi nguyên liệu không đạt chất lượng, không đảm bảo lại phải bỏ đi hết. Những với sự kiên trì trong nghiên cứu, sự dày công trong đầu tư thời gian theo đuổi công trình, đề tài chỉ khâu phẫu thuật thành công hơn cả mong đợi.

Với 14 đề tài khoa học cấp Bộ, có 4 đề tài do chị trực tiếp làm chủ nhiệm, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước. Tất cả những đề tài đó được ứng dụng thực tế và đạt hiệu quả cao như đề tài chỉ khâu phẫu thuật, hay đề tài màng sinh học vinaketin và đề tài mới được nhận giải KOVA là đề tài Nghiên cứu chế tạo keo phẫu thuật y tế.  Chia sẻ về công trình khoa học Keo phẫu thuật y tế, chị Vân Điểm cho biết:Cùng các chuyên gia cũng như các nhà khoa học Việt Nam, chúng tôi nghiên cứu keo phẫu thuật y tế. Khi nghiên cứu thành công sản phẩm này, chúng tôi đã thí nghiệm trên động vật là chuột, thỏ, rồi đến chó và cuối cùng là đến con người. Suốt từ năm 2008 đến 2010 sử dụng sản phẩm này tại các bệnh viện Việt Đức, Thanh Nhàn, cuối cùng chúng tôi lấy kết quả và đồng thời tìm ra tính năng ưu việt nhất của loại sản phẩm này.


Với hơn 20 năm cống hiến cho công tác nghiên cứu khoa học, tên tuổi của chị Cao Thị Vân Điểm gắn liền với các công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng trong ngành y tế. Các công trình được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, đặc biệt là ứng dụng thành công trong mổ khâu trong và phẫu thuật thẩm mỹ. Các sản phẩm như màng sinh học hay chỉ khâu phẫu thuật không chỉ có giá trị về mặt khoa học, mà còn trở thành sản phẩm nội đạt chất lượng cao, thay thế hoàn toàn những sản phẩm ngoại nhập giá cao. Chị Vân Điểm cho biết: Chỉ khâu chúng tôi theo đuổi từ những lúc sơ khai nhất, cho đến sau 20 năm sản xuất và được ứng dụng tại các bệnh viên trên cả nước. Tôi cũng thấy mãn nguyện với những thành quả của mình. Vì những kiến thức mình học đã được mang ra áp dụng trong nghiên cứu phục vụ xã hội. Trong quá trình công tác, nhờ sự học hỏi và trao đổi nghiên cứu của đồng nghiệp, được sự giúp đỡ của bạn bè và đồng nghiệp nên trong quá trình nghiên cứu khoa học tôi gặp nhiều thuận lợi.


Dù đã nghỉ hưu, nhưng chị Vân Điểm vẫn tiếp tục các đề tài nghiên cứu khoa học về trang thiết bị y tế như đề tài về máy điện tim, các thiết bị phục hồi chức năng và đề tài máy lấy cao răng do chị trực tiếp làm chủ nhiệm. Viện trưởng Viện thiết bị và công trình y tế Nguyễn Trọng Quỳnh, người đã nhiều năm làm việc cùng chị Cao Thị Vân Điểm nhận xét: Từ khi còn là sinh viên, chị đã tham gia nghiên cứu khoa học. Nói  như vậy để thấy được chị là người có sở trường làm công tác nghiên cứu khoa học. Cho đến khi đã đã hoàn thành nhiệm vụ của một công dân một cách xuất sắc nhưng chị vẫn có những đề tài nghiên cứu và tham gia  những đề tài trọng điểm cấp nhà nước và tham gia vào lĩnh vực rất mới cho công việc trang thiết bị y tế ở Việt Nam. Chị trở thành nhà khoa học nữ, tiên phong trong công tác nghiên cứu về lĩnh vực thiết bị và công trình y tế Việt Nam.

Thành công của chị Cao Thị vân Điểm trong công tác nghiên cứu khoa học còn có sự giúp đỡ của người chồng là người bạn đồng môn, luôn giúp chị công việc gia đình, tư vấn cho chị trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, là sự thành đạt của 2 cô con gái. Chị Vân Điểm quan niệm rằng gia đình hạnh phúc là nền tảng, là động lực để chị yên tâm nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng xã hội./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác