(VOV5) - Mỗi năm khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc đón hàng vạn lượt khách tới thăm.
Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Phú Quốc là điểm đến của nhiều du khách trong và nước ngoài khi đến thăm quan, du lịch ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nhà tù Phú Quốc là bằng chứng ghi dấu tội ác của chế độ thực dân, đế quốc, nhưng cũng là di tích thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, của các chiến sĩ Cách mạng bị tù đày trong những năm đấu tranh chống thực dân, đế quốc.
Nghe âm thanh tại đây:
Nhà tù Phú Quốc nằm ở xóm Cây Dừa, xã An Thới, huyện đảo Phúc Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang. Vốn là một trại giam do thực dân Pháp xây dựng để giam cầm những người Việt Nam yêu nước, năm 1967, chính quyền Sài Gòn xây dựng lại Nhà lao Cây Dừa hay còn gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc, hay Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc trên diện tích khoảng 400ha. Đây là nhà tù lớn nhất miền Nam với hơn 32.000 tù binh từng bị giam giữ, có lúc lên tới 40.000 nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ.
Chính quyền Sài Gòn bấy giờ tin rằng không một tù nhân nào trốn được khỏi nhà tù Phú Quốc |
Nhà tù Phú Quốc có tất cả 12 khu được đánh số từ 1 đến 12, do 3 tiểu đoàn quân cảnh canh giữ. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có thể giam khoảng 3.000 tù nhân. Bao quanh mỗi khu nhà lao là trùng trùng hàng rào kẽm gai 10 – 15 lớp với hệ thống điện chiếu sáng dày đặc.
Chuồng cọp, hình thức tra tấn dã man nhất |
Bên cạnh bộ máy cai ngục, lúc cao nhất tới bốn tiểu đoàn lính gác trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện cơ động, canh giữ, tuần tiễu ngày đêm. Chị Võ Thị Thu Hà, cán bộ Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc, cho biết: Trong 6 năm, từ ngày 6/7/1967 đến 1/1973, đã có hơn 4.000 người bị chết trong các trại giam, hàng nghìn người bị tàn tật suốt đời: Cảm xúc của những người khách quốc tế khi đến thăm Nhà tù Phú Quốc, họ rất căm phẫn bởi những hình thức tra tấn mà chính những người cùng quê hương họ đã gây ra. Nhiều du khách đã khóc rất nhiều và mang những nén nhang ra thắp ở khu tưởng niệm. Họ nói là họ không ngờ những người từ quê hương của họ dã nghĩ ra những hình thức tra tấn dã man như vậy.
Du khách quốc tế tới thăm nhà tù Phú Quốc |
Tù binh chiến tranh tại nhà tù Phú Quốc đã phải chịu những hình phạt, tra tấn rất dã man và tàn khốc. Ngay từ khi bước chân vào trong tù, tù nhân đều bị đánh phủ đầu để lấy cung, để uy hiếp nhằm làm nhụt tinh thần. Những ngày sau đó bị hành hạ, tra tấn ngày càng khắc nghiệt.
Người tù bị phạt phơi nắng trên những dàn thiếc nóng rát ngoài trời, da thịt ở bụng, ở ngực phỏng rộp lên, người yếu sức thường là ngất xỉu. Nếu cựa quậy, tù bình sẽ bị đánh vào đầu hoặc bị bắn. Người tù bị còn bị phạt leo cây nhum đầy gai nhọn, leo lên ngọn rồi tụt xuống, không leo sẽ bị đánh.
Dùng búa tra tấn |
Cai tù còn dùng gậy đập nát các đầu ngón chân, ngón tay, bẻ răng tù binh làm bộ sưu tập răng để chơi. Ông Vasseul, du khách đến từ Pháp, chia sẻ: Cũng giống như các trại giam ở nhà tù Sài Gòn hay Côn Đảo, có rất nhiều hình thức tra tấn rất ghê rợn.
Bị đóng đinh vào đầu gối |
Tù nhân ở dây bị giam cầm rất chật chội và bị giam trong những chiếc container nóng nực. Thăm quan bảo tang, tôi thấy càng tra tấn những chiến sỹ cách mạng lại càng quật khởi, đứng dậy mạnh mẽ, đứng cùng về một phía để trống lại kẻ thù.
Độc ác nhất là hình phạt tù nhân bị giam vào chuồng cọp. Chuồng cọp là một cái lồng khung bằng sắt cao 1 mét, dài 2 mét, xung quanh được đan bằng dây kẽm gai. Vào chuồng cọp thì tù bình không nằm, không đứng, cũng không ngồi xuống được, nếu mỏi quá chỉ cần thay đổi động tác là các mũi nhọn sắc của dây kẽm gai cứa nát da thịt ngay. Thời tiết nóng thì cai ngục kê lò than gần kề, lạnh lại hắt thêm nước vào. Đêm đến, cai ngục thường lôi người ra đánh, tiếng la, tiếng hét vang khắp khu trại. Có người đang đêm bị gọi đi tra tấn, bị đóng đinh vào mắt cá chân, vào đầu gối, thậm chí vào đầu.
|
Những lần khai quật, tìm kiếm hài cốt tại khu vực nhà tù, cán bộ khu di tích tìm thấy nhiều bộ hài cốt còn cả những cái đinh 10 phân đóng vào xương chân, xương đầu gối, xương sọ. Những vật chứng này hiện còn bảo quản tại Nhà trưng bày của di tích Nhà tù Phú Quốc. Thăm quan khu trưng bày, chị Khánh Ngọc, du khách ở Hà Nội, cho biết: Thế hệ trẻ chúng tôi không thể tin được trong cuộc sống lại có những hình thức tra tấn dã man và tàn khốc đến vậy. Đoàn chúng tôi nhiều người đã khóc, khóc vì sự khâm phục ý chí của những thế hệ cha anh, để đồng cảm với những nỗi đau, sự hy sinh của họ cho độc lập, tự do ngày nay.
Mỗi năm khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc đón hàng vạn lượt khách tới thăm. Họ là những cựu tù bình trở về thăm lại nơi mình bị giam giữ trước đây; là những du khách đến từ mọi miền đất nước và du khách quốc tế.
Tra tấn bằng cách chôn sống |
Những năm kháng chiến, Nhà tù Phú Quốc là trường học để những người yêu nước rèn luyện phẩm chất, ý chí chiến đấu, và ngày nay, thế hệ trẻ đến thăm khu di tích này để hiểu thêm về lòng kiên trung, sự hy sinh của thế hệ đi trước cho độc lập dân tộc.