(VOV5) - Những di tích lịch sử ở Quảng Ngãi không chỉ là nơi để du khách hiểu thêm về quá khứ chiến tranh, mà còn là nơi giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng của dân tộc, của quê hương.
Tỉnh Quảng Ngãi ở vùng duyên hải miền trung Việt Nam, trong thời kỳ chiến tranh từng là chiến trường ác liệt. Quảng Ngãi ngày nay có nhiều di tích lưu dấu những chiến thắng oanh liệt, những đau thương mất mát trong chiến tranh. Đến với các di tích, du khách hiểu thêm về những đóng góp của người Quảng Ngãi, của quân và dân cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Điểm tham quan mà nhiều đoàn khách thường tới thăm là khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. Đây là quê hương, nơi sinh ra và lớn lên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nơi đây còn lưu giữ ngôi nhà thời thơ ấu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong khuôn viên khu di tích còn có khu trưng bày với gần 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật giúp người xem hiểu thêm về sự nghiệp của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Ông là vị Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất (1955–1987). Ông là nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược. Đến đây, người xem bồi hồi nhìn ngắm những hình ảnh, hiện vật từng gắn bó với một con người trí tuệ, cao cả về nhân cách, bình dị, gần gũi trong lối sống và rất nhiều hình ảnh hiện vật thể hiện tình cảm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho quê hương.
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
|
Trong đoàn học sinh tới thăm khu lưu niệm, em Huỳnh Thị Kim Trang, học sinh trường Trung học phổ thông mang tên Phạm Văn Đồng của tỉnh Quảng Ngãi, bày tỏ cảm xúc: "Em được vinh dự học trong ngôi trường mang tên cố thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Qua việc học lịch sử rồi được đến tham quan ở đây, em hiểu hơn về thân thế cũng như các hoạt động cách mạng của bác Phạm Văn Đồng. Em tự hào về quê hương mình, sau này lớn lên, em muốn trở thành công dân có ích để không hổ danh là học sinh của trường Trung học phổ thông Phạm Văn Đồng".
Ở phía Nam thành phố Quảng Ngãi có một di tích được nhiều khách trong và ngoài nước biết đến, đó là khu di tích Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Khu di tích nằm trên địa bàn huyện Đức Phổ, nơi đã lưu lại những dấu tích anh hùng của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Tại đây, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nữ bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm (1942-1970) đã sống, chiến đấu, làm việc và ngã xuống khi còn rất trẻ, mới 28 tuổi đời.
Cuốn nhật ký của bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm thể hiện khát vọng của một thế hệ trẻ Việt Nam thời chiến tranh, sống có lý tưởng, không tiếc tuổi thanh xuân, không ngại hy sinh gian khổ, chiến đấu cho sự nghiệp độc lập và thống nhất đất nước. Cuốn nhật ký đã được một người lính Mỹ giữ lại, và sau 35 năm lưu lạc trên đất Hoa Kỳ, đã được trả lại cho gia đình tác giả. Những dòng nhật ký chân thật của nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã làm xúc động hàng triệu trái tim và sự cảm phục của cả những cựu chiến binh phía bên kia chiến tuyến.
Khu di tích Bệnh xá Đặng Thùy Trâm
|
Khu lưu niệm và bệnh xá mang tên Đặng Thùy Trâm được xây dựng tại chính mảnh đất mà liệt sỹ Đặng Thùy Trâm từng sống và làm việc thời chiến tranh. Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm có kiến trúc nhà Rông Tây Nguyên, dễ làm khách tham quan cảm nhận được sự gần gũi và thân thiện. Nổi bật trong khuôn viên chính là tượng đài Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm với tay cầm nón che đầu, chân sải bước, như đang vượt đồng bằng trong những lần làm nhiệm vụ, cứu chữa thương binh. Trong bệnh xá có khu trưng bày giới thiệu những hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời của nữ anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Bên cạnh nhà lưu niệm là khu bệnh xá gồm đủ các khoa chức năng và phương tiện để khám chữa bệnh cho người dân trong khu vực.
Ông Võ Thanh ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ được khám chữa bệnh tại đây, bày tỏ cảm xúc: "Tôi rất tự hào về quê hương mình nơi có bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm từ Hà Nội vào đây công tác trong những năm tháng chiến tranh và được nhân dân ở đây đã đùm bọc, Bác sỹ Đặng Thùy Trâm từng phục vụ quân dân chiến đấu. Bây giờ bệnh xá có đầy đủ đội ngũ y, bác sỹ chăm sóc bệnh nhân rất nhiệt tình".
Khu chứng tích Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi
|
Ở Quảng Ngãi còn có khu một di tích Khu di tích nổi tiếng thế giới, đó là khu chứng tích vụ thảm sát Sơn Mỹ. Ngày 16 tháng 3 năm 1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, lính Mỹ đã thảm sát hàng loạt 504 dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Khu chứng tích Sơn Mỹ có diện tích 2,4ha ở xã Tịnh Khê gồm các địa điểm ghi dấu tội ác của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và cũng là nơi tưởng niệm những người dân đã ngã xuống trong vụ thảm sát của lính Mỹ. Ðến Sơn Mỹ hôm nay, du khách có thể dừng lại trước bức tượng để cảm nhận nỗi đau tột cùng của nạn nhân Sơn Mỹ ngày ấy. Khu chứng tích Sơn Mỹ thường xuyên đón khách đến tham quan. Họ là các thương gia, các nhà khoa học, khách du lịch đủ mọi quốc tịch, đặc biệt ngày càng có nhiều người Mỹ đến thăm nơi này tỏ lòng thông cảm với những nỗi đau sâu sắc của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh.
Những di tích lịch sử ở Quảng Ngãi không chỉ là nơi để du khách trong và ngoài nước hiểu thêm về quá khứ chiến tranh, mà còn là nơi giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng của dân tộc, của quê hương đối với các thế hệ trẻ Việt Nam mai sau.