(VOV5) -Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là cửa hàng tơ lụa Phúc Lợi của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Hồ, một trong những hiệu buôn lớn ở Hà Nội.
Nhà số 48 phố Hàng Ngang nằm trong khu phố cổ của thủ đô Hà Nội, một trong những tuyến phố buôn bán thuộc vào loại sầm uất nhất của Hà Nội từ xưa tới nay. Tại ngôi nhà này, vào những ngày cuối tháng 08/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại ngôi nhà hiện nay vẫn còn lưu giữ những kỷ vật, chứng tích của lịch sử gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết của phóng viên Lê Phương nhan đề " Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam ".
Ngôi nhà lịch sử 48 Hàng Ngang |
Nghe âm thanh tại đây:
Những năm 40 của thế kỷ trước, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là cửa hàng tơ lụa Phúc Lợi của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Hồ, một trong những hiệu buôn lớn ở Hà Nội. Nhà có dạng hình ống, rộng hơn 400m2, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp. Ngôi nhà nằm ở hai mặt phố, cổng trước là 48 Hàng Ngang, cổng sau là phố 35 Hàng Cân, là một cơ sở tin cậy của cách mạng. Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà được chọn là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 25/08 đến ngày 02/09/1945. Cũng tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ Trung ương Đảng thông qua ba nội dung: Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh thành phần Chính phủ lâm thời. Chị Nguyễn Bích Hạnh, cán bộ phòng Quản lý di tích, Ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội, cho biết: "Trung ương Đảng chọn ngôi nhà này làm nơi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội vì đây là ngôi nhà có 2 lối đi. Bình thường ở đây khách ra vào rất tấp nập, có yếu tố bất ngờ mà kẻ thù không thể ngờ tới: nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội, Trung ương Đảng bố trí cho Người đi lối 35 Hàng Cân, theo cầu thang đi lên tầng 2 của gia đình. Ngôi nhà có 4 tầng. Tầng 1 bán vải tơ lụa; tầng 2 một bên là phòng khách, một bên là phòng ăn gia đình, còn tầng 3 và tầng 4 là kho hàng. Khi có động, chỉ cần đi thoát sang các nóc nhà bên cạnh rồi xuống đường an toàn, không cần phải đi theo lối cửa chính".
Trải qua nhiều năm thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn. Tầng một của ngôi nhà từ năm 1970 trở thành nhà lưu niệm, trưng bày các tư liệu theo chủ đề vào mỗi dịp lễ, kỷ niệm lớn của đất nước như Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/04; Cách mạng tháng Tám thành công 19/08, Quốc khánh 02/09, Giải phóng Thủ đô 10/10... Tại đây đang diễn ra triển lãm trưng bày chuyên đề "Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập", với 80 hình ảnh, hiện vật lịch sử. Trong số đó có bộ quần áo kaki Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc khi đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, đây cũng chính là trang phục mà gia đình thương nhân Trịnh Phúc Lợi đặt may riêng cho Người. Tầng hai là nơi trưng bày chiếc bàn lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập, các hiện vật giới thiệu về phòng tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Người ở và làm việc tại đây; phòng họp - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ủy viên Trung ương Đảng làm việc... Chị Nguyễn Bích Hạnh giới thiệu: "Đây chính là bộ bàn ghế nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Thường Người ngồi viết ở đây, có lúc lại viết phía bên phòng ăn của gia đình. Bản thân gia chủ cũng không biết được cụ già mặc bộ áo nâu sậm thường ngồi viết lách ở đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ đến ngày 02/09/1945, khi Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình thì gia chủ mới biết đấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Tới thăm gian phòng nhỏ trên tầng 2, nhiều khách tham quan không khỏi ngạc nhiên và xúc động khi đứng tại chính nơi những dòng đầu tiên của Tuyên ngôn Độc lập được viết nên. Anh Thomas Bayer, du khách Anh, chia sẻ: "Tôi khá bất ngờ khi biết Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được viết tại căn phòng nhỏ chỉ khoảng 20m2 này. Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc khá giản dị, chỉ một chiếc tủ tài liệu, một chiếc giường vải để nghỉ ngơi và tại bộ bàn ghế nhỏ kia Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết ra một văn bản rất quan trọng đối với đất nước Việt Nam".
Cũng trên tầng 2, phía bên ngoài nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phòng khách, nơi người tiếp đón đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Bắc khi về thủ đô. Qua lối hành lang là phòng họp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự làm việc như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Khuất Duy Tiến... Chị Nguyễn Bích Hạnh cho biết thêm: "Tại đây còn diễn ra một sự kiện đặc biệt, đó là trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 26/08/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp một vị khách đặc biệt Thiếu tá Archimedes L.A Patti, chỉ huy đơn vị OSS (cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ). Ông chính là người nước ngoài đầu tiên được đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khi chưa được công bố và ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự lễ Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/09/1945".
Đến thăm ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, các thế hệ sau được nghe những câu chuyện lịch sử về nơi ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập cũng như sự đồng lòng, nhất trí và ý trí chiến đấu của toàn thể nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Bạn Nguyễn Thùy Chi, ở Hòa Bình, chia sẻ:
"Tới đây em càng thấm thía câu "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Sự ủng hộ, hết lòng đóng góp cho cách mạng như nhà cụ Trịnh Văn Bô đã góp phần vào sự thành công của quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Thế hệ trẻ như em càng ý thức hơn được rằng phải cố gắng học tập hơn nữa để đóng góp cho đất nước bằng những kiến thức, sức trẻ của mình."
Năm 1979, ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Nơi đây chính là một trong những "địa chỉ đỏ" gắn với quá trình sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội mà du khách khi đến với thủ đô không thể bỏ qua.