(VOV5) - Ngoài kinh doanh giỏi, anh Siu Pớp cũng là một trong những người đi đầu trong các hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Anh Siu Pớp, người dân tộc Jrai, ở làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, là một trong những nông dân điển hình làm kinh tế hiệu quả. Những năm gần đây, gia đình anh Siu Pớp kiếm được khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi/năm (gần 40.000 USD/năm) nhờ trồng café, buôn bán café và kinh doanh phân bón, thức ăn gia súc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh Siu Pớp theo nghề của gia đình, khởi nghiệp bằng nghề trồng café. Cùng với đó, anh còn thu mua café của bà con trong làng về bán lại cho các đại lý cafe trong tỉnh Gia Lai. Nhờ đó, công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình anh ngày càng phát triển. Anh Siu Pớp bộc bạch: "Tôi làm nghề trồng café hơn 20 năm rồi. Tôi chưa thành lập doanh nghiệp mà chỉ là hộ kinh tế gia đình. Mỗi năm có 1 vụ café, tôi mua đi bán lại khoảng 100 tấn nhân café, café vừa của nhà trồng vừa mua lại của dân. Mấy năm trước, café rớt giá, mình làm lợi nhuận rất ít. Café năm nay được giá, người dân trồng café có lợi nhuận tốt. Nếu được mùa, được giá 1 ha thu được khoảng 300 triệu đồng tiền lãi. Trừ hết chi phí tiền lãi 1 tỷ đồng/năm (gần 40.000 USD/năm) là bình thường. Nếu giá café cứ giữ giá cao như thế này thì nhiều hộ thu tiền tỷ/năm".
Anh Siu Pớp là một trong những nông dân điển hình làm kinh tế hiệu quả ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai - Ảnh: VOV5/Ngọc Anh |
Kinh doanh café phát triển thuận lợi, gia đình anh Siu Pớp đã tạo công ăn việc làm cho một số người dân địa phương. Bình thường anh thuê từ 4 đến 6 nhân công làm cho gia đình còn vào vụ café cuối năm thì thuê 10 người. Anh Siu Nghiêm, dân tộc Jrai, người làm thuê cho gia đình anh Siu Pớp, cho biết: "Công việc ở đây là tưới café, phun thuốc, hái cafe… Làm từ 7h sáng đến 16h chiều, mỗi tuần làm 6 ngày, nghỉ Chủ nhật. Tôi học xong lớp 12 qua đây làm. Thu nhập của tôi hằng tháng là 7 triệu đồng (gần 280 USD), tạm đủ sống. Ngoài tiền lương, anh Siu Pớp còn phụ cấp tiền ăn. Ngày lễ, Tết, anh cũng thưởng thêm cho chúng tôi".
Ngoài công việc chính là trồng cây cafe, kinh doanh hạt café, anh Siu Pớp còn kinh doanh phân bón, thức ăn gia súc. Dự định của anh sắp tới là xây dựng một cửa hàng chuyên kinh doanh, buôn bán phân bón, thức ăn chăn nuôi cho bà con trong làng. Anh Siu Pớp cho biết: "Nhà tôi cũng kinh doanh phân bón và thức ăn gia súc, mua từ đại lý về bán cho dân làng. Muốn trồng café bền vững, theo kinh nghiệm 20 năm của tôi là nên kết hợp giữa phân hữu cơ và phân hóa học. 1 ha bón tầm 6 tạ phân. Tôi dự định sẽ xây dựng 1 kho chứa, mở 1 cửa hàng bán phân bón cho cây café và thức ăn cho gia súc".
Thực hiện công đoạn phơi cà phê trong sân nhà anh Siu Pớp - Ảnh: VOV5/Ngọc Anh |
Ngoài kinh doanh giỏi, anh Siu Pớp cũng là một trong những người đi đầu trong các hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Anh Rơ Châm Thố, người hàng xóm với gia đình anh Siu Pớp, kể: "Ngoài phát triển kinh tế giỏi, anh Siu Pớp cũng là người có uy tín đối với một số thanh niên trong làng. Anh tích cực đóng góp từ thiện cho xã hội. Với những hộ nghèo và cận nghèo, anh Siu Pớp sẵn sàng cho họ vay tiền không tính lãi để tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Anh còn tư vấn cho người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thí dụ như trồng café chăm sóc ra sao, mùa nào, thời điểm nào bón phân tư vấn từng chi tiết. Anh cũng đi tuyên truyền, vận động những người lầm đường lạc lối, đối tượng tù tha nhờ anh Siu Pớp tuyên truyền họ đã giác ngộ".
Trước đây, cuộc sống của anh Siu Pớp khá vất vả, nhưng nhờ năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi, đến nay, gia đình anh Siu Pớp có cơ ngơi khang trang và trở thành một trong những hộ có kinh tế khá ở địa phương. Anh đã được huyện Chư Păh công nhận đạt Danh hiệu nông dân sản xuất giỏi.