Tam Cốc - Bích Động: một vùng non nước hữu tình

(VOV5) - Nét đặc biệt của Tam Cốc đó là vẻ đẹp tự nhiên của ba hang thủy xuyên qua núi. Mỗi hang lại có thung lũng ngập nước lớn in bóng cảnh núi non hùng vĩ.


Nằm cách Hà Nội khoảng 120 km, về phía Nam, danh thắng Tam Cốc - Bích Động là một phần trong quần thể núi đá vôi Hoa Lư. Trải qua hàng trăm năm, nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. 



Tam Cốc - Bích Động: một vùng non nước hữu tình - ảnh 1
Bến thuyền dập dìu đưa du khách ngắm cảnh núi non, sơn thủy hữu tình. Ảnh: ngoisao.net


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Khu danh thắng Tam Cốc gồm hai điểm đến là Tam Cốc và Bích Động, thuộc địa phận thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là khu du lịch trọng điểm quốc gia. Tam Cốc còn được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn bởi hệ thống hang động, núi đá vôi nổi trên mặt nước và đặc biệt Tam Cốc còn có các di tích lịch sử liên quan đến triều đại nhà Trần (thế kỷ 13 - 14). Từ bến thuyền Tam Cốc, chiếc thuyền nhỏ sẽ đưa du khách theo dòng Ngô Giang uốn lượn, len qua những vách núi đá sừng sừng, tiến vào khu vực hang động. Chậm rãi khua mái chèo, chị Đỗ Thị Nụ, lái đò tại đây, giải thích: "Theo tiếng Hán, "Tam" là ba, "Cốc" là hang, nên gọi là Tam Cốc. Còn dân địa phương ở đây gọi là Ba Hang, gồm: Hang Cả, hang Hai, Hang Ba. Cả đi cả về đi hết 3 hang hết 2 tiếng".


Đến Tam Cốc, cảnh vật mỗi mùa mỗi vẻ và mùa nào cũng có nét thú vị riêng. Vào mùa xuân, hai bên sông là cánh đồng lúa xanh biếc, đến tháng Tư âm lịch, ruộng lúa lại ngả màu vàng óng. Còn vào mùa hè, du khách được thưởng thức hương sen thơm ngát giữa vùng nước non. Du ngoạn trên dòng Ngô Giang, du khách còn được nghe người dân địa phương kể những câu chuyện lịch sử, những sự tích gắn với tên gọi của từng mỏm núi, vách đá. Nhiều cái tên độc đáo được đặt cho các ngọn núi dựa theo hình dáng của chúng như mỏm Kim Quy (hình con rùa), núi Hàm Rồng (hình dáng đầu rồng)..



Lênh đênh trên thuyền, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những dãy núi đá muôn hình kỳ thú mà còn được quan sát những loài thủy sinh sinh động dưới làn nước. Nước trong nhìn rất rõ những cây tóc tiên và rong nước như san hô. Nhưng có lẽ điều hấp dẫn với du khách nhất vẫn là hang động. Chị Nguyên cho biết: "Động thứ nhất có tên gọi là Hang Cả, có chiều dài 127m, lòng hang rộng 20m. Khi đi vào trong hang, ngay ngoài cửa hang có rất nhiều các nhũ đá, có những nhũ đá giống như hình mây bay và có những nhũ đá suốt ngày đêm có nước nhỏ xuống thánh thót, được ví như bầu sữa mẹ. Điểm đặc biệt ở hang này đó là từ ngoài nhìn vào hang rất tối, nhưng càng đi sâu vào bên trong lại càng sáng, vẫn thấy đường đi".



Nét đặc biệt của Tam Cốc đó là vẻ đẹp tự nhiên của ba hang thủy xuyên qua núi. Mỗi hang lại có thung lũng ngập nước lớn in bóng cảnh núi non hùng vĩ. Hang thứ hai cách Hang Cả chừng 10 phút đi thuyền. Điều đặc biệt ở hang động tại Tam Cốc là càng đi vào các hang bên trong, độ dài hang càng ngắn, lòng hang càng hẹp lại. Hang Hai có chiều dài 60m, trần hang chủ yếu là những phiến đá phẳng. Hang Hai cách Hang Ba khoảng hơn 100m. Hang Ba là hang ngắn nhất, chỉ dài 50m.  Dọc đường vào các hang ở Tam Cốc, là những dãy núi đá vôi trùng điệp. Điểm đặc biệt là dấu ấn địa chất hai bên chân núi với những dấu tích của biển từ hàng nghìn năm trước kia. Dưới chân núi đều có những vết lõm hình vòm và ngang đều nhau như có vết kẻ. Xa xưa, nơi đây là biển cả mênh mông, sóng biển vỗ không ngừng hàng nghìn hàng triệu năm bào mòn khuyết sâu vào núi đá nên đã tạo thành những kiệt tác thiên nhiên như ngày nay.



Sau 2 giờ du ngọan giữa một vùng sông nước, núi non hùng vĩ, thuyền đưa du khách trở lại bến thuyền Tam Cốc. Từ đây di chuyển 2km nữa là tới Bích Động, nơi được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" (động đẹp thứ nhì trời Nam). Chùa Bích Động được xây dựng năm 1428 dưới vương triều Lê Thái Tổ, được xem là danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng nhất của tỉnh Ninh Bình. Chiếc cầu đá nhỏ bắc qua hồ sen dẫn lối vào không gian chùa tĩnh lặng, linh thiêng giữa một vùng núi non trùng điệp. Chị Nguyễn Xuân Nguyên, hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu: "Chùa Bích Động được hình thành theo kiểu tam tòa với 3 ngôi chùa được xây cất trên sườn núi, được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Năm 1740, vua Lê Cảnh Hưng đặt tên cho chùa là "Bạch ngọc thạch sơn đồng", nghĩa là ngôi chùa bằng đá đẹp như viên ngọc bích ở nơi sơn cùng thủy tận. Còn tên "Bích Động" có nghĩa là động xanh, do Tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân sinh của đại thi hào Nguyễn Du, đặt tên vào năm 1773".



Sau khi lễ phật ở chùa Bích Động, du khách bước lên 21 bậc đá là đến Động Tối. Trong Động Tối có những khối nhũ đá thiên nhiên tạo hình ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục. Để lên chùa Thượng, du khách cũng phải bước tới gần 40 bậc đá theo sườn núi. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động, là nơi thờ phật bà Quan Âm. Sân chùa Thượng là nơi lý tưởng nhất để ngắm khung cảnh xung quanh Bích Động. Phía xa xa, xen giữa những dãy núi là những nhánh sông nhỏ uốn lượn mềm mại tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình.



Không ít du khách nước ngoài khi đến tham Tam Cốc - Bích Động đã bất ngờ với vẻ đẹp nơi đây. Vừa khoe những bức ảnh chụp được trong suốt chuyến đi, ông Monttie Binotto, du khách người Thụy Sỹ, chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi đến thăm mảnh đất này, Tôi cảm nhận đây là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Tam Cốc - Bích Động là địa danh được thiên nhiên ưu đãi, con người hiền hòa và phong cảnh rất hữu tình. Tôi muốn được ở lại đây khoảng 2 - 3 ngày để khám phá vùng đất này. Tôi ấn tượng nhất là nụ cười của những người lái đò, họ còn có thể chèo đò bằng chân. Không phải lúc nào tôi cũng được thấy những hình ảnh này".



Giữa sông nước mênh mông, núi non hùng vĩ ở Tam Cốc - Bích Động, con người như bé nhỏ lại. Tới đây, mỗi du khách như được hoà mình vào thiên nhiên, tận hưởngkhông khí trong lành, tâm hồn được thư thái. Không chỉ là một danh thắng, Tam Cốc - Bích Động còn là một điểm du lịch tâm linh độc đáo ở Ninh Bình./.

Phản hồi

Tong thj thuy nga

Rất hay

Các tin/bài khác