Thăm Bảo tàng đường Hồ Chí Minh

(VOV5) - Sức thu hút của Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh chính là tái hiện sinh động, khoa học về những sáng tạo độc đáo, những chiến công và sự hy sinh anh dũng của bộ đội Trường Sơn.

Con đường giao liên vận tải quân sự dọc Trường Sơn mang tên gọi đường Hồ Chí Minh được ngợi ca là con đường huyền thoại, một bản anh hùng ca bất tử trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Khi đất nước hòa bình, những câu chuyện, những hồi ức, những kỷ vật gắn liền với con đường huyền thoại ấy lại được tái hiện, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước tại Bảo tàng đường Hồ Chí Minh. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, một cựu chiến binh Trường Sơn, khi đến Bảo tàng đã viết vào sổ cảm tưởng: “Không thể cho một dãy núi vào trong một ngôi nhà. Nhưng ngôi nhà, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, đã chứa đựng tất cả kim cương và quặng quý của dãy núi ấy”.


Thăm Bảo tàng đường Hồ Chí Minh - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Cách Hồ Gươm, Hà Nội, khoảng 16km, theo Quốc lộ 6 qua Thị xã Hà Đông, rẽ phải theo con đường nhỏ rợp bóng cây xanh khoảng 700m là đến Bảo tàng đường Hồ Chí Minh. Từ xa, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh nổi lên giữa cánh đồng lúa xanh với kiến trúc khá độc đáo, thể hiện trập trùng mây núi Trường Sơn. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 28-2-1996 và cắt bǎng khánh thành vào ngày 10/4/1999, đúng vào dịp kỷ niệm 40 nǎm ngày ra đời của Đoàn 559, tên gọi của Binh đoàn Trường Sơn anh hùng. Đại tá Ngân Chài, Giám đốc Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, cho biết: Bảo tàng là nơi gìn giữ, bảo quản tài liệu, hiện vật quý hiếm để giới thiệu những sự tích anh hùng của bộ đội Trường Sơn với tình đoàn kết keo sơn cùng chung chiến hào chiến đấu của ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia trên con đường lịch sử: “Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh là sự tiếp nối của Bảo tàng Trường Sơn trước đây được thành lập năm 1968 tại Trường Sơn. Lúc đó những cán bộ của Bảo tàng là những cán bộ, chiến sỹ làm công tác tuyên huấn, chính trị đi tuyên truyền và sưu tập các hiện vật thời đó để tổ chức lại thành các cuộc triển lãm, dần dần quy mô lớn và trở thành Bảo tàng Trường Sơn. Bảo tàng này phục vụ đắc lực cho các cán bộ, chiến sỹ tiền tuyến và động viên, khuyến khích cán bộ chiến sỹ chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh”.


Thăm Bảo tàng đường Hồ Chí Minh - ảnh 2

Đến với Bảo tàng, bạn sẽ tận mắt thấy những hiện vật vô cùng quý báu gợi nhớ về tuyến vận tải chi viện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Công trình văn hóa mang tính đặc thù của bộ đội Trường Sơn có khuôn viên rộng 17.000m2, nhà trưng bày 3 tầng diện tích 28.000m2. Ngay cửa vào khu trưng bày là bức phù điêu bằng đồng thể hiện hình tượng các thế hệ bộ đội Trường Sơn với đủ các binh chủng hợp thành. Tiếp đó là các gian trưng bày hiện vật tái hiện quá trình hình thành và phát triển của tuyến vận tải chi viện chiến lược từ thời kỳ vận tải bằng gùi "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" đến thời kỳ mở đường ô tô ngang dọc Trường Sơn, lấy vận tải cơ giới là chính mà báo chí phương Tây lúc đó gọi là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Đại tá Ngân Chài cho biết: “Từ năm 1995, Bảo tàng trở thành Bảo tàng quốc gia đường Hồ Chí Minh, vì vậy ở đây lưu giữ nhiều tư liệu gốc, quý báu của Bảo tàng Trường Sơn khi xưa. Các kỷ vật của Trường Sơn đang được Bảo tàng lưu giữ, phát huy. Hiện Bảo tàng có hơn 20.000 hiện vật. 3 tầng trưng bày được khoảng 2.000 hiện vật, vì vậy chúng tôi trưng bày định kỳ để giới thiệu hết các hiện vật trong kho. Ngoài ra chúng tôi cũng tổ chức các buổi trưng bày lưu động và thay đổi các nội dung trưng bày để giới thiệu dược hết các hiện vật Trường Sơn đến với công chúng”.

Sức thu hút của Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh chính là tái hiện sinh động, khoa học về những sáng tạo độc đáo, những chiến công và sự hy sinh anh dũng của bộ đội Trường Sơn. Ở đây ta gặp lại những địa danh một thời là trọng điểm ác liệt như: Chà Là, Mụ Giạ, cua chữ A, Phu La Nhích, Ta Lê…  thể hiện trên sa bàn khá lớn. Đặc biệt, Bảo tàng còn xây dựng mô phỏng một con “đường kín” (đường K), để chống lại chiến tranh điện tử của kẻ thù. Đại tá Ngân Chài cho biết: Đường kín là một trong những kỳ tích của quân đội Việt Nam và thể hiện ý chí, sự thông minh của bộ đội Trường Sơn: “Xây dựng đường kín là dựa vào rừng già vì phương thức vận chuyển của bộ đội ta là ban đêm. Khi có công nghệ laze thì không quân Mỹ dùng nó để phát hiện xe của quân đội đi trong đêm. Vì thế Bộ đội Trường Sơn mới nghĩ ra đường kín để cho xe chạy ban ngày. Ở những chỗ có cây to thì vít cành xuống cho kín, khi chỗ cây thưa thì trồng thêm cây và treo các giò phong lan để làm giàn che kín đường. Bộ đội trường sơn đã làm được hơn 3.000km đường kín. Đây là một biện pháp mà chưa có một cuộc chiến tranh của thế giới làm ra, góp phần đắc lực cho quân đội VN vận chuyển hàng hóa bằng cơ giới phục vụ có chiến trường miền Nam”.

Thăm Bảo tàng đường Hồ Chí Minh - ảnh 3

Bảo tàng đường Hồ Chí Minh có lượng khách đứng thứ 3 trong hệ thống các bảo tàng của VN. Mỗi năm, Bảo tàng đón hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Thiếu tá Nguyễn Hải Bình, Trưởng ban Trưng bày và tuyên truyền, chia sẻ: Chúng tôi là thế hệ đi sau cũng chỉ biết về khó khăn, gian khổ qua lời kể và hiện vật…. nhưng đều cảm nhận được sự cống hiến, ý chí, nghị lực của bộ đội Trường Sơn ngày ấy. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ của Bảo tàng luôn không ngừng học hỏi, tìm hiểu để giới thiệu với khách tham quan về lịch sử oai hùng của con đường Trường Sơn: “Từ các Cựu chiến binh, sinh viên đến khách nước ngoài thường nói rằng tình cảm, ấn tượng về Bộ đội Trường Sơn đầy ắp khi đến đây. Họ nói rằng trước khi đến đây, họ đã tìm hiểu rất kỹ về Trường Sơn nhưng khi đến bảo tàng, họ đều nói rằng tất cả như một huyền thoại. Đối với du khách quốc tế, Trường Sơn không chỉ như một huyện thoại mà còn là một đề tài nghiên cứu, để suy ngẫm và học hỏi. Tình cảm họ dành cho bộ đội Trường Sơn thật sự lớn lao. Các đoàn khách nước ngoài đến bảo tàng khi về đều khen rất hay và muốn được xem hết các kỷ vật”.

Với những hiện vậy quý giá gắn liền với lịch sử của dân tộc cùng sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ bảo tàng, mà từ khi mở cửa đến nay, Bảo tàng đã trở thành một địa chỉ tham quan hấp dẫn với du khách. Đồng thời, Bảo tàng cũng làm tròn trách nhiệm giáo dục truyền thống lịch sử cho  thế hệ trẻ Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác