(VOV5) - Chùa ở Sóc Trăng không chỉ là nơi để các nhà sư tu hành, thờ Phật mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống, cộng đồng của cư dân bản địa.
Sóc Trăng là tỉnh Nam bộ có nhiều đồng bào Khmer tập trung sinh sống. Người Khmer đặc biệt xem trọng các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh nên chùa ở Sóc Trăng không chỉ là nơi để các nhà sư tu hành, thờ Phật mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống, cộng đồng của cư dân bản địa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Toàn tỉnh Sóc Trăng có tới 99 chùa của người Khmer. Tiêu biểu nhất có các chùa: chùa Kh’leang, chùa Mahatúp (chùa Dơi), chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự), chùa Sàlôn (chùa Chén Kiểu)...
Chùa Dơi, ngôi chùa cổ kính hơn 400 tuổi ( Lan Anh/VOV5) |
Chùa Sàlôn thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 12km. Chùa được xây dựng năm 1815. Nét độc đáo của chùa là tường được ốp trang trí bằng những mảnh bát (chén), đĩa sứ, tạo nên màu sắc sặc sỡ, sinh động. Ông Chim Chót, trưởng ban quản trị chùa Sàlôn, cho biết: “Trong thời gian chiến tranh, chùa bị bom phá. Nhà sư đại đức cùng ban quản trị đi quyên góp, nhặt nhạnh lại từng mảnh vỡ để xây lại chánh điện. Cho nên, ngôi chánh điện có lối kiến trúc tận dụng đồ lành, đồ nguyên chiếc và đồ không nguyên chiếc. Cái nào nguyên thì để nguyên, cái nào cần thiết thì để. Còn cái nào không nguyên chiếc thì cắt ra để tận dụng dùng lại cho tiết kiệm. Từ đó đến nay, chùa có thêm một tên mới là chùa Chén Kiểu. Còn tiếng Khmer là Sàlôn.”
Vườn tháp chùa Chén Kiểu. ( Lan Anh/VOV5) |
Cũng như các chùa Khmer khác, nóc chùa Sàlôn có 3 mái, được trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ, đẹp mắt, thể hiện ước vọng an lành và siêu thoát. Hai đầu đao ở hai bên mái cong vút. Hai bên tường chùa có nhiều tranh vẽ mô tả cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi nhập Niết Bàn. Gian thờ trong chính điện gồm 20 tượng Phật lớn, nhỏ được bố trí hài hòa, hợp lý.
Chùa Kh'leang là chùa cổ nhất ở Sóc Trăng, toạ lạc tại số 71 đường Mậu Thân, thành phố Sóc Trăng. Chùa xây trên nền đất cao, xung quanh có nhiều cây thốt nốt là loại cây đặc trưng của người Khmer.Cổng chùa trang trí hoa văn cầu kỳ với màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách văn hoá Khmer. Mái chùa xây theo kiểu tam cấp, trang trí bằng các phù điêu hình chim thú thể hiện quan niệm, triết lý của người Khmer về mối giao hoà giữa Phật - Con người - Trời.Trong chính điện chùa có 16 cột gỗ thiếp vàng khắc các hình ảnh mô tả cuộc đời đức Phật và các sinh hoạt Phật pháp. Giữa chính điện là tượng Phật ngồi trên tòa sen cao 6,8m được đúc vào năm 1916. Chung quanh tượng Phật trưng bày nhiều hiện vật của cộng đồng người Khmer như là một cách bảo tồn và phát huy nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa.
Là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, chùa Mahatúp tọa lạc tại số 73B, đường Lê Hồng Phong, thành phố Sóc Trăng. Trong khuôn viên chùa có hàng vạn con dơi sinh sống, vì thế chùa còn có tên là chùa Dơi. Trong sân chùa, văng vẳng những thanh âm từ một dàn nhạc ngũ âm. Anh Trịnh Tiền, thành viên của ban nhạc ngũ âm, cho biết: “Vào những ngày lễ như Chol Thman Thmay, lễ Dolta, trong hai ba ngày đó thì ban nhạc ngũ âm mình cũng tập trung hòa tấu trong chùa để âm thanh vang lên, thể hiện lòng thành kính của người Khmer khi dâng cơm lên chùa.”
Chùa Mahatúp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16 theo lối kiến trúc Khmer. Trong chính điện có pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m và một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Chùa Dơi còn lưu giữ nguyên vẹn các bộ kinh ghi trên lá cây thốt nốt, những hiện vật quý hiếm mang nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Nam bộ.
Một ngôi chùa khác, chùa Đất Sét tọa lạc tại số 163A, đường Lương Đình Của, là chùa duy nhất tại Sóc Trăng được thiết kế theo kiến trúc của người Việt. Chùa do ông Ngô Kim Tây xây dựng vào năm 1906. Mái chùa được chống đỡ bằng 24 cây cột, mỗi cây cột đều được trang trí hình rồng uốn lượn bằng đất sét từ nền điện lên đến mái vòm. Hiện nay, chùa còn lưu giữ 1.991 tượng đất sét lớn, nhỏ và nhiều công trình đặc sắc như: 3 chóp đỉnh lớn, 7 lư hương nhỏ, toà sen 1000 cánh, 2 ngôi bảo tháp...
Chùa Khmer có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng. Ông Trầm Sanh, ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Sơn, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chùa là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của bà con dân tộc. Để làm sao trong ngày lễ hội làm sao được đến chùa để thắp nhanh niệm phật, theo đúng tâm linh tín ngưỡng của mình.”
Những ngôi chùa Khmer kết tinh giữa nghệ thuật truyền thống và tính sáng tạo của dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc thể hiện trong kiến trúc, hoa văn trang trí. Chùa chính là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc của dân tộc Khmer.