Về thăm bảo tàng đồng quê giữa miền quê yên bình Giao Thủy

(VOV5)- Hiếm có một bảo tàng giữa làng quê ở Việt Nam.

Giữa một vùng quê yên ả, thanh bình có một bảo tàng lưu giữ phản ánh cuộc sống của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó là Bảo tàng đồng quê tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đây là bảo tàng tư nhân trưng bày chuyên đề do cựu chiến binh, Thiếu tướng Hoàng Kiền xây dựng tại chính quê hương của ông.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Từ thành phố Nam Định, vượt 40km về xã Gia Thịnh thuộc huyện Giao Thủy của tỉnh Nam Định, du khách có mặt tại Bảo tàng đồng quê. Bảo tàng đồng quê nằm giữa một vùng quê trù phú, xung quanh cánh đồng lúa đang ngả màu vàng, là nơi lưu giữ và tái hiện cuộc sống của những người nông dân ở đây nói riêng, vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Về thăm bảo tàng đồng quê giữa miền quê yên bình Giao Thủy - ảnh 1


Ngay từ ngoài cổng, du khách cảm nhận ngay được không gian sống của người dân vùng quê với ao cá, vó bè, vó kéo tay, là những công cụ đánh bắt cá của người nông dân thời xưa, rồi những hàng cây dâm bụt tốt xanh thẳng hàng ở hai bên lối vào. Xung quanh vườn là những cây trồng mà nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ hay trồng, vừa tạo bóng mát, vừa có hoa quả để ăn, lá để uống như cây chay, thị, vối… Không gian phía ngoài bảo tàng còn dựng những ngôi nhà ở của các tầng lớp như nhà địa chủ, bần nông, trung nông. Được nhìn tận mắt, được sống giữa những ngôi nhà mà nhiều thế hệ địa chủ nông dân đã sinh sống, hẳn du khách có những cảm giác ấn tượng và khác lạ. Chị Trần Thị Huê, hướng dẫn viên của Bảo tàng đồng quê, cho biết: “Mỗi một vùng miền đều có một sự khác biệt và đây là những ngôi nhà đặc trưng vùng Giao Thủy. Có lẽ nó cũng có khác biệt đôi chút so với nhà Bắc Bộ khác. Ví dụ như ngôi nhà địa chủ này, nhưng khác như Hà Nam thì nhà địa chủ bề thế hơn rất nhiều. Nhưng nơi đây là vùng mới khai hoang lập ấp khoảng 200 năm do vậy tầng lớp địa chủ ở đây còn nghèo so với các tỉnh khác.”


Điểm nhấn và chủ đạo của Bảo tàng đồng quê là ngôi nhà 4 tầng ở chính giữa, là nơi trưng bầy hiện vật đồng quê tiêu biểu. Ngôi nhà cao tầng này đại diện cho kiểu nhà hiện đại đã và đang phát triển ở nông thôn hiện nay. Chị Trần Thị Huê giới thiệu tầng 1 của ngôi nhà  trưng bày những hiện vật nói về chủ nhân của người sáng lập Bảo tàng và một số kỉ vật trong chiến tranh. Tầng 3 là kho mở với các hiện vật chủ yếu là đồ đồng, sành sứ, nghề mây tre đan… Điểm khác biệt ở đây là trong khi các bảo tàng thường không cho tham quan các kho nhưng Bảo tàng đồng quê lại mở cửa kho cho du khách tham quan. Điểm nhấn mạnh nhất là phòng triển lãm ở tầng 2: “Tầng 2 là tầng trưng bày chính của bảo tàng đồng quê. Chủ đề chính ở đây là cây lúa với Đồng bằng bắc bộ. Các hiện vật ở đây chủ yếu là các nông cụ liên quan đến nghề trồng lúa. Đây là các nông cụ đã qua sản xuất, đã gắn bó với đời sống ông cha, như là bô sưu tập về các nông cụ làm đất, rồi các nông cụ chăm sóc lúa, các nông cụ thu hoạch, chế biến lúa và thể hiện đời sống của họ rõ nhất qua gian bếp.”

Về thăm bảo tàng đồng quê giữa miền quê yên bình Giao Thủy - ảnh 2
Khách tham quan bảo tàng



Từ chiếc cối xay, cối giã gạo, chiếc cày, hay bát ăn cơm, rổ rá… trong sinh hoạt và sản xuất của người dân miền đồng bằng đều được tái hiện sinh động và hấp dẫn. Những du khách đã từng sống ở nông thôn thời kì trước khi đến tham quan bảo tàng ký ức về một thời gian khổ như hiện về rõ nét. Còn với những du khách trẻ tuổi sẽ có dịp hiểu kĩ hơn về cuộc sống của người nông dân xưa ở chốn quê yên bình nhưng giàu tình, giàu nghĩa. Với các em nhỏ khi tham quan Bảo tàng đồng quê còn được tham gia trải nghiệm, làm bánh trôi, bánh gai, tự tay làm công việc của nhà nông như trồng rau, bắt cá hay xay thóc giã gạo. Lão nông Nguyễn Văn Thơ, ở xã Gia Thịnh, tự hào về bảo tàng tại quê hương tâm sự: “Nói chung có cái bảo tàng này thì tôi cảm thấy lớp hậu sinh sau này lớn lên được biết những cái từ cối xay này, cối giã gạo này. Các trường ở Hà Nội, cấp 2, cấp 3 đến tham quan thường xem và rất thích những đồ vật đó.”


Bảo tàng Đồng quê là một công trình văn hoá đã tái hiện lại tâm hồn, cuộc sống, tinh thần lao động cần cù, đấu tranh với thiên nhiên của bao thế hệ người Việt trong quá khứ. Bảo tàng đồng quê được coi là nét gạch nối giữa làng quê xưa với cuộc sống hiện tại ngày nay. Giữa một làng quê yên ả, bảo tàng đồng quê góp một tiếng nói chân tình của người dân nhằm khẳng định sức mạnh và truyền thống của dân tộc Việt.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác