Hệ sinh thái kết nối học tập Youth+: Dự án tiềm năng trong thị trường giáo dục

(VOV5) - Youth+ là dự án được xây dựng dựa trên mô hình hệ sinh thái học tập, hỗ trợ và kết nối toàn diện dành cho giới trẻ. 

Gần 10 năm trước, tại Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp trong nước tiên phong với mô hình E-learning như Violet.vn, Hocmai.vn, Topica… và khá thành công. Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn đã thu hút 3,5 triệu thành viên tham gia, hay gần đây, Topica kêu gọi được 50 triệu USD... Từ những thành công đó, hiện nay, khởi nghiệp từ giáo dục trực tuyến đang là một trong những lĩnh vực được nhiều bạn trẻ lựa chọn hiện nay. Trong số đó, có dự án Youth+ Vietnam (gọi tắt là Youth+), dự án hệ sinh thái học tập với nhiều tiềm năng.

Youth+ là dự án được xây dựng dựa trên mô hình hệ sinh thái học tập, hỗ trợ và kết nối toàn diện dành cho giới trẻ. Youth+ Vietnam cung cấp cho các bạn trẻ một không gian đọc – học, tìm kiếm – kết nối và chia sẻ – hỏi đáp với lăng kính đa chiều, nhiều màu sắc trong nhiều lĩnh vực. Dự án “Youth+” nhằm giúp các bạn trẻ chủ động lĩnh hội thông tin trong cuộc sống, bộc lộ khả năng sáng tạo, khơi mở tư duy vượt trội về thế giới xung quanh và sống “mở” hơn với cộng đồng và truyền cảm hứng, tạo ra ảnh hưởng tới hàng ngàn bạn trẻ khác. Youth+ hướng tới đối tượng chính là các bạn sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng.

Anh Hà Tiến Đạt, một trong những thành viên sáng tạo Youth+, cho biết: "Đối với Youth+, điều đầu tiên, các bạn sẽ được hỗ trợ định hướng bản thân, hướng nghiệp. Sau khi được hướng nghiệp, các bạn sẽ biết là mình đi theo hướng nào, định hướng như thế nào và các bạn có thể khoanh vùng được là mình sẽ có những nhóm ngành nghề, các bạn sẽ được kết nối với những cố vấn (mentor) trong nhóm ngành nghề đó để có thể hiểu hơn là những ngành nghề đó trong tương lai mình sẽ làm gì. Từ đó, các bạn có thể lựa chọn được cho mình là đi theo ngành nghề nào sẽ phù hợp với bản thân. Và trong quá trình là sinh viên, các bạn cũng sẽ cần phát triển hay hoàn thiện những kỹ năng nào và các mentor cũng có thể hướng dẫn, kết nối cho các bạn".

Một trong những nội dung được các bạn trẻ yêu thích khi đến với Youth+ đó là tham gia Youth Camp. Hoạt động này gồm các khóa đào tạo về tinh thần và thể chất để từ đó các bạn trẻ có thể khám phá và hiểu hơn về bản thân mình.

Youth+ là một dự án tương đối mới, được nhóm bạn trẻ ở trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) triển khai từ tháng 02/2019 đến nay. Chỉ sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động, Youth+ đã nhận được những phản hồi tích cực từ thị trường cũng như được đánh giá là ý tưởng sáng tạo trong hầu hết các cuộc thi khởi nghiệp từng tham gia như: Giải 3 cuộc thi “Dynamic – Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai” năm 2019, Giải start-up tiềm năng nhất tại cuộc thi Business Challenges 2019. Anh Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo, Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa (BKHoldings), cho rằng: "Tôi thấy các bạn rất sáng tạo. Ở Việt Nam, từ rất lâu mọi người đã nghe đến dịch vụ tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm… Ở Youth+ có những nội dung khá mới mẻ. Tôi thấy ý tưởng và kế hoạch của các bạn ấy khá mở rộng, kể cả từ những hỗ trợ về về các kỹ năng mềm và kể cả tư nhân hỗ trợ về hướng nghiệp và cả những phần 1 giới thiệu việc làm. Đó là những lĩnh vực khá rộng để tiếp tục sáng tạo".

Hiện nay, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, người dùng Internet là giới trẻ chiếm đa số. Đây cũng là nhóm đối tượng có nhu cầu học tập cao, do đó, thị trường giáo dục - đào tạo trực tuyến là một thị trường rất tiềm năng với quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm. Theo ước tính, quy mô thị trường EdTech Việt Nam không dưới 2 tỷ USD. Với những tiềm năng phát triển lớn mà thị trường mới này mang lại, các thành viên Youth+ đề ra định hướng phát triển thành doanh nghiệp xã hội số một Đông Nam Á về công nghệ, giáo dục, hướng tới phân khúc thị trường với lượng khách hàng trẻ và đông đảo là hàng triệu học sinh phổ thông, hàng triệu người lao động trong lứa tuổi từ 18 – 25. Đây là một tham vọng có thể đạt được nếu Youth+ có một chiến lược kinh doanh tốt và một nền tảng công nghệ hiện đại.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết: "Hệ sinh thái kết nối học tập có rất nhiều sáng kiến và đã giải quyết được những vấn đề rất cụ thể, có ý nghĩa xã hội rất lớn. Chúng tôi gọi là khởi nghiệp sáng tạo mà tạo ra các tác động xã hội giải quyết về học đường giáo dục giới tính, thậm chí hỗ trợ những bạn kém may mắn, vấn đề môi trường, vấn đề sức khỏe… rất nhiều thứ mà đôi khi chúng ta hay dùng từ “doanh nghiệp xã hội”.  Chúng tôi cũng là một trong các đối tác để giúp nâng cao năng lực cho các bạn. Nhưng thường chúng tôi không hướng đến việc gọi vốn của nhà đầu tư mà hướng đến việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ các quỹ hỗ trợ của Chính phủ, của địa phương, tài trợ từ phía ngoài…"

Việt Nam đang bước vào thời kỳ vàng son phát triển giáo dục trực tuyến khi quy mô thị trường đạt tới 2 tỷ USD và chưa dừng lại. Điều này mở ra cơ hội rất lớn, nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Youth+, để xây dựng các mô hình trực tuyến có công nghệ ưu việt, mang lại trải nghiệm tối đa giá trị của những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới ngay tại Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác