Nguyễn Phượng Hằng - Kỹ sư 9X khởi nghiệp từ dự án cây giống cấy mô

(VOV5) - “Dám nghĩ – Dám làm” là điều mà kỹ sư trẻ Nguyễn Phượng Hằng truyền cảm hứng đến những ai đang theo đuổi nông nghiệp.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Đồng Tháp, tuổi thơ của chị Nguyễn Phượng Hằng luôn gắn bó gần gũi với nhiều loại cây giống. Nhận tấm bằng cử nhân của trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Hằng quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp cơ sở nuôi cây giống cấy mô HF, với ước muốn mang lại cây sạch bệnh cho nông dân.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nuôi cấy mô là phương pháp giúp nhân nhanh số lượng lớn giống cây trồng mà đảm bảo cây sạch bệnh, giữ được tính trạng tốt của cây bố mẹ. Phương pháp này giúp hạn chế sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết bên ngoài, giúp nhà vườn chủ động nguồn giống mọi lúc mọi nơi, hạn chế rủi ro do biến đổi khí hậu thời tiết mang lại. Tại Đồng Tháp, việc nghiên cứu cây cấy mô cũng đã được phát triển vài năm gần đây. Trong đó có phòng cấy mô giống cây trồng của kỹ sư Nguyễn Phượng Hằng, sinh năm 1992, ở huyện Lấp Vò.
Nguyễn Phượng Hằng - Kỹ sư 9X khởi nghiệp từ dự án cây giống cấy mô - ảnh 1Kỹ sư Nguyễn Phượng Hằng đã từ bỏ công việc với mức lương đáng mơ ước ở phòng thí nghiệm nuôi cấy mô để trở về quê nhà khởi nghiệp - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kỹ sư Nguyễn Phượng Hằng cho biết ngoài các yếu tố như điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm sóc… thì cây giống tốt đóng vai trò quyết định đối với chất lượng nông sản. Tuy nhiên, trải qua quá trình nhân giống nhiều lần, cây có thể bị thoái hóa, mất đi những đặc tính ban đầu. Chính vì vậy, nuôi cấy mô là giải pháp giúp nhân nhanh số lượng lớn giống cây trồng, đảm bảo cây sạch bệnh, giữ được tính trạng tốt của cây bố mẹ. Với mong ước đem những kiến thức mình đã học giúp bà con nông dân có những cây giống tốt, Nguyễn Phượng Hằng đã từ bỏ công việc với mức lương ổn định ở phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tại Đồng Nai để trở về quê nhà Đồng Tháp khởi nghiệp.

Chị Nguyễn Phượng Hằng, Chủ cơ sở cây giống cấy mô HF, chia sẻ: "Đối với cây ngoài môi trường, qua quá trình nhân giống nhiều lần thì có thể thoái hóa, mất đi đặc tính ban đầu. Hoặc qua lai tạo, thụ phấn thì đặc tính ban đầu cũng dần mất đi. Mình dựa vào phương pháp nuôi cấy mô phục tráng lại đặc tính tốt của cây; tạo được cây con sạch bệnh, khỏe mạnh. Khi đó, cây đủ sức chống chịu ngoài môi trường tự nhiên; đồng thời phát triển nhanh chóng".

Cơ sở cây giống cấy mô HF ra đời từ đó với biết bao kỳ vọng của cô kỹ sư trẻ và những người bạn đồng hành. Giống cây đầu tiên cơ sở nghiên cứu đó là cây chuối bởi nó dễ nhân giống hơn những loại cây khác và tỷ lệ thành công lên đến 80%. Giống chuối được sản xuất bằng phương pháp cấy mô giúp khắc phục những hạn chế của việc trồng theo cách truyền thống (tách cây giống từ cây mẹ) như dễ nhiễm nấm, vàng lá và thối củ, giảm năng suất, chết cây.

Với đội ngũ nhân sự trẻ, trình độ cao và một niềm đam mê cháy bỏng, Cơ sở cây giống cấy mô HF đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phục tráng và cho ra đời cây giống khoẻ mạnh cung cấp cho bà con nông dân trong khu vực và cả nước. Những cây giống chuối già nam mỹ, chuối sáp, chuối cau… được cấy mô khắc phục hoàn toàn những hạn chế của cây giống nhân giống bằng các phương pháp truyền thống bởi cây giống được trẻ hóa, sinh trưởng, phát triển khỏe, năng suất cao, chất lượng và mang đầy đủ tính tốt từ giống nguyên bản.

Nguyễn Phượng Hằng - Kỹ sư 9X khởi nghiệp từ dự án cây giống cấy mô - ảnh 2Lớn lên ở vùng nông thôn, từ bé Phượng Hằng đã có cơ hội làm quen với nhiều loại cây giống - Ảnh: vovgiaothong.vn

Chị Nguyễn Phượng Hằng cho biết: "Hiện tại công xuất của phòng mô sản xuất được khoảng 30.000 cây/ tháng. Năm 2021, đã sản xuất được 80.000 mô giống các loại. Đây là thời điểm mà chúng tôi chuyển qua sản xuất nhiều. Trong năm nay, dự tính sản xuất 200.000 cây giống chuối và các loại cây cảnh".

Sau thành công từ các giống chuối được thị trường đón nhận, hiện Cơ sở cây giống cấy mô HF cũng đang cung cấp những cây dứa cấy mô cho thị trường các tỉnh miền Tây, như: Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long… và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Dứa MD2 cấy mô được sản xuất từ cây mẹ ngoài đồng ruộng, qua quá trình chọn lọc và phục tráng trong phòng thí nghiệm loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây bệnh (nấm, khuẩn). Chính vì vậy, cây dứa có sức sống nội lực tốt hơn nhiều so với các giống nhân bằng chồi. Dứa MD2 nuôi cấy mô với ưu điểm tạo cây giống đồng đều về chất lượng, sạch bệnh, đúng mẫu mã cây mẹ là ưu thế lớn cho bà con định hướng trồng xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Chị Nguyễn Phượng Hằng cho biết thêm: "Trước giờ tôi chủ yếu sản xuất giống chuối và bán về các vùng Đông Nam bộ. Hiện đang sản xuất số lượng lớn cây dứa phục vụ các vùng trồng miền Tây. Hiện tại, cơ sở đã nghiên cứu thành công gừng, khoai môn… để phục vụ sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; hướng thêm ra vùng Tây Nguyên. Đây là những nơi mà có thể sản xuất số lượng lớn để xuất khẩu".

“Dám nghĩ – Dám làm” là điều mà kỹ sư trẻ Nguyễn Phượng Hằng truyền cảm hứng đến những ai đang theo đuổi nông nghiệp. Sự nỗ lực, tâm huyết của Nguyễn Phượng Hằng hứa hẹn giải quyết được bài toán về giống cây trồng cho nông dân để năng xuất thu hoạch ngày càng cao. Đồng thời, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững ngay từ khâu giống, trước khi hoàn thiện quy trình để cho ra sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác