Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam

(VOV5) - Việt Nam xếp hạng 59 trong Bảng xếp hạng Hệ sinh thái Khởi nghiệp năm 2021, tiếp tục duy trì thứ hạng so với năm 2020. 

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, đánh dấu động thái cụ thể của Việt Nam để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo. Đề án 844 có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển theo xu thế hội nhập.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Kể từ khi Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 được triển khai, việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đã đạt những kết quả thành công ban đầu. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một số nội dung mới nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của hệ sinh thái quốc gia ra quốc tế. Từ đó, mở ra nhiều hoạt động kết nối với các chuyên gia, cố vấn và hình thành mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, thiết lập quan hệ hợp tác theo chiều sâu với một số đối tác chiến lược để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Mới đây, StartupBlink - Trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu, đã công bố Bảng xếp hạng Hệ sinh thái Khởi nghiệp năm 2021 cho 1.000 thành phố và 100 quốc gia trên toàn thế giới. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 59, tiếp tục duy trì thứ hạng so với năm 2020. Đáng chú ý, cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều tăng hạng. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng với việc tăng 46 bậc lên vị trí thứ 179. Trong khi đó, Hà Nội tăng 5 bậc so với năm 2020, đưa 2 thành phố lớn, đồng thời là 2 trung tâm khởi nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lớn của Việt Nam, lọt top 200 toàn cầu.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam - ảnh 1Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: "Hiện nay theo thống kê, lượng start-up của Việt Nam khoảng gần 5.000 thì thành phố Hồ Chí Minh chiếm 60%, và vốn từ các quỹ đầu từ mạo hiểm hàng năm đổ vào các start-up, thành phố Hồ Chí Minh cũng chiếm 60% cả nước. Với sự đồng hành của Green Plus, chúng tôi hết sức vui mừng bởi vì trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần có sự đồng hành của các “big-company”, họ có nguồn lực, có chiến lược phát triển, đặc biệt là có mạng lưới khách hàng. Đó là những yếu tố hết sức quan trọng, cần thiết cho hoạt động đổi mới sáng tạo của các trường, viện và các doanh nghiệp start-up".

Những con số này và sự xếp hạng của Trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu được coi là thành tựu lớn của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Đồng thời đặt ra hy vọng với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam sẽ có thêm nhiều hơn 2 thành phố đổi mới sáng tạo lọt vào bảng xếp hạng trong các năm tới. Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia tại 3 thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh) cũng như các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Trần Văn Tùng - Ảnh: TTXVN

Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: "Bắt đầu từ năm 2022 chúng ta đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho kiến thức về hệ sinh thái khởi nghiệp mở và có những chương trình để kết nối giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Qua đó có thể cập nhật những kiến thức mới nhất về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngay trong quá trình đào tạo".

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang được xem là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, đã được các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân tham gia vào quá trình hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là giới trẻ. Phó Giáo sư-TS Đỗ Anh Đức, thành viên Tổ tư vấn Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp 2022-2030 cho rằng: "Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành rất nhiều chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và chính phủ nhằm tạo dựng một môi trường thuận lợi nhất để thế hệ trẻ có thể phát triển và thực thi được những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để có thể phát triển hơn nữa được tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giới trẻ tôi cho rằng cần tập trung vào việc hình thành và phát huy giá trị của một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phải có khả năng kết nối cũng như phải phát huy được vai trò của các thành phần của hệ sinh thái này, tạo ra môi trường thúc đẩy các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của giới trẻ trong nước và quốc tế".

Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là những đối tượng tạo ra nhiều việc làm, mang lại giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp đang ngày càng sôi nổi và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang tạo ra những hiệu ứng tích cực, đem lại những thành công bước đầu.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác