(VOV5) - Sự mạnh dạn, chịu khó và sáng tạo của các chị, cùng sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ và các ngành trong tỉnh, đã biến nông sản quê nhà thành nguồn lực kinh tế bền vững.
Trà Vinh, vùng đất giàu tiềm năng nông nghiệp, đang chứng kiến phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mạnh mẽ của phụ nữ. Nhiều phụ nữ dân tộc Khmer với cách làm sáng tạo, đã khởi nghiệp thành công từ những nông sản quê nhà.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong hàng ngàn hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh.
6 năm trước, chị Kim Thị Sô Đây, ở huyện Cầu Kê, quyết định khởi nghiệp bằng việc chế biến mứt dừa sáp bằng đường cát trắng. Do độ ngọt cao nên hàng bán không chạy. Sau, chị chuyển sang làm mứt dừa bằng đường phèn và đã thành công. Hiện mỗi tháng, chị sản xuất và cung ứng ra thị trường bình quân hơn 300kg mứt dừa thành phẩm, bán với giá 400.000 đồng/kg (17 USD). Năm 2022, chị mạnh dạn làm thêm sản phẩm dừa sáp đông lạnh. Dừa sáp nguyên trái sau khi mua về loại bỏ phần lớp võ bên ngoài chỉ giữ lại phần cơm dừa bên trong và được hút chân không, sau đó đông lạnh bán ra thị trường. Hiện tại mỗi tháng chị cung ứng ra thị trường trên dưới 200 trái dừa sáp đông lạnh, sau khi trừ các khoảng chi phí chị còn lợi nhuận hàng triệu đồng/tháng.
Sản phẩm mứt dừa sáp Khang Minh của Kim Thị Sô Đây - Ảnh: Thạch Trà Vinh/VOV |
Vào tháng 7 năm ngoái, 2 sản phẩm mứt dừa sáp đường phèn và dừa sáp đông lạnh của chị đã được công nhận là sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, thị trường biết đến sản phẩm của chị nhiều hơn, lượng đơn đặt ngày một tăng
Chị Kim Thị Sô Đây chia sẻ: "Tôi may mắn được sinh ra tại nơi rất dồi dào đặc sản dừa sáp, nhưng nếu chỉ bán những trái thô thì giá trị không cao nên tôi quyết tâm tạo ra sản phẩm để có giá trị gia tăng cao hơn, đó là mứt dừa sáp. Còn nước dừa tôi chế biến thành thạch dừa ướp lạnh và nhiều loại thức uống khác để cung ứng cho thị trường”.
Chị Kim Thị Sô Đây (thứ 2 từ trái) tại Hội thi chế biến 100 món ngon từ dừa sáp Cầu Kè - Ảnh: Thạch Trà Vinh/VOV |
Một tấm gương khởi nghiệp khác là chị Sơn Thị Đa Ni, cũng là dân tộc Khmer, ở xã Bình Phú, huyện Càng Long. Là Thạc sĩ kỹ thuật hóa học, cách đây 4 năm (năm 2021), chị bắt đầu nghiên cứu và có ý tưởng sản xuất nhang nghệ. Chị Đa Ni chế biến thân và lá nghệ, thứ thường bị bỏ đi sau thu hoạch, thành nhang nghệ thơm dịu, không hóa chất độc hại. Sau 3 năm khởi nghiệp, gia đình chị đã thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng/năm
Chị Sơn Thị Đa Ni cho biết: “Loại nghệ trắng từ Cầu Kè có cả củ và lá đều có hương thơm. Đặc biệt, khói nhang sinh ra từ loại nghệ này không xuất hiện loại chất gây hại như CO, SO2, NO2…Nhang còn có chứa chất diệt khuẩn nên giúp loại bỏ vi khuẩn gây dị ứng mũi.. Hiện, rất nhiều tiệm Spa đặt mua nhang này”.
Chị Sơn Thị Đa Ni và chồng tại vườn nghệ trắng dùng làm nguyên liệu sản xuất nhang - Ảnh: Thạch Trà Vinh/VOV |
2 phụ nữ người Khmer vừa nhắc đến chỉ là những điển hình nhỏ trong nhiều phụ nữ được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh và các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ tư vấn, đào tạo, kết nối với thị trường và thành công. Chính sự nỗ lực của Hội mà phụ nữ nông thôn được tiếp cận nguồn lực, xây dựng thương hiệu và tự tin khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Giám đốc Dự án thúc đẩy tinh thần kinh doanh phụ nữ nông thôn Trà Vinh, cho biết: "Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ chị em kết nối thị trường, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng công nghệ số. Hiện nay chúng tôi đang có các hoạt động nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ ở nông thôn trong bối cảnh xu hướng công nghệ số đang thay đổi các hoạt động kinh doanh, giúp sản phẩm của chị em tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng nhanh chóng và thuận lợi hơn. Các hoạt động của dự án hướng đến việc giúp cho chị em phụ nữ tự tin và mạnh dạn hơn trong kinh doanh của họ”.
Từ dừa sáp, nhang nghệ trắng đến những sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao, phụ nữ tỉnhTrà Vinh, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Khmer, đang viết nên câu chuyện khởi nghiệp đầy tự hào. Sự mạnh dạn, chịu khó và sáng tạo của họ, cùng sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ và các ngành trong tỉnh, đã biến nông sản quê nhà thành nguồn lực kinh tế bền vững, giúp vùng nông thôn Trà Vinh ngày càng phát triển và giàu bản sắc.