Âm nhạc và tin tức

(VOV5) - Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nhà báo Phan Quang - nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam về sự ra đời của Đài FM đầu tiên với Chương trình Âm nhạc và Tin tức - khai trương đúng ngày 4/9/1990. "Đài FM đầu tiên là một bước đi khiêm tốn nhưng quan trọng, bước đột phá nâng cao chất lượng làn sóng, phát huy truyền thống, thực hiện đổi mới phát thanh Việt Nam".

Âm nhạc và tin tức - ảnh 1
Các biên tập viên Hệ VOV3 và kỹ thuật viên thu thanh

Cuối năm 1988, tham dự phiên họp hằng tháng của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ),  nhân được mời phát biểu về báo nói, báo hình, tôi có ý kiến: “Muốn ngành phát thanh, truyền hình nước ta nhanh chóng đuổi kịp các nước trong khu vực, nhất thiết phải có quy hoạch, sự đầu tư của Nhà nước và mở rộng hợp tác quốc tế”. Và tiếp luôn: “Chúng ta lạc hậu lắm. Riêng một cái đài phát sóng FM stereo đặt tại thủ đô phát âm nhạc và tin tức phục vụ người dân và khách quốc tế, các nước trong khu vực đều có. Sài Gòn trước 1975 đã có, nay ta đang sử dụng. Thủ đô Vientiane nước bạn Lào đã có. Duy nhất Hà Nội là chưa”.


Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười bảo: “Anh làm đi”. – “Vâng, thưa anh, nếu Nhà nước cho tiền, xin có ngay”.


Hội đồng Bộ trưởng quyết định giao Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét, cấp kinh phí, Đài TNVN chịu trách nhiệm thực hiện.


Cán bộ Đài hồ hởi vào cuộc. Quyết tâm khai trương Đài phát sóng FM vào dịp Quốc khánh năm sau, cùng lúc với Trung tâm Âm thanh xây dựng mới ở phố Bà Triệu sử dụng trang thiết bị thế hệ mới của Hunggary.


Trước hết, lựa chọn đối tác đấu thầu thiết bị. Ba hãng lớn: Marelli (Italia), Thompson (Pháp) và Sony (Nhật) vào cuộc. Sony trúng thầu bởi bỏ giá hạ, hơn nữa ta chọn Nhật Bản nước ở gần ta, chuyên gia qua lại đỡ tốn kém.


Vào cuộc mới thấy việc nhỏ mà trở ngại to hơn núi. Mỹ vẫn chủ trương cấm vận Việt Nam, đe dọa trừng phạt bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp thiết bị kỹ thuật cho nước ta. Mặc dù đã mấy lần tuyên bố sẽ dở bỏ chủ trương vô lý này khi cái gọi là “vấn đề Campuchia” được giải quyết. Các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam sau thời gian sát cánh cùng quân đội nước bạn đánh đuổi Khơme đỏ, vực dậy đất nước Angkor, đã rút dần về theo kế hoạch, Mỹ vẫn chần chừ. Hãng Sony lắp xong thiết bị với tần số ta đề xuất, hứa như đinh đóng cột chỉ một tuần nữa thôi là sóng FM sẽ phóng trên bầu trời Hà Nội. Tuy nhiên hết tuần này sang tuần khác vẫn không thấy động tĩnh. Chúng tôi hiểu, bạn Nhật còn mải liếc nhìn tín hiệu từ ông anh đồng minh. Đài quyết định chấm dứt hợp đồng với Hãng Sony, bởi đã quá thời hạn giao hàng. Tiếp xúc Hãng Thompson. Nước Pháp có đường lối đối ngoại của họ. Thật ra, làm và bán một cái máy phát sóng nhỏ đối với các Tập đoàn quốc tế hùng hậu như Thompson, Marelli hay Sony là chuyện thường ngày, dễ như cho xe vào kho nhận hàng - hơn nữa, một cái máy phát nhạc là chính có phải thiết bị quốc phòng đâu, chắc chắn không gây nên sóng cồn trong quan hệ quốc tế. Hãng Thompson đã nhiệt tình hợp tác với Đài TNVN.


Âm nhạc và tin tức - ảnh 2
Biên tập viên - nhạc sĩ  Trần Thanh Tùng  nghe chương trình 


 Trung tâm Âm thanh và Đài FM
Âm nhạc và Tin tức phục vụ nhân dân thủ đô Hà Nội khai trương đúng hạn ngày 4-9-1990, với sự có mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.


Thiết bị không thể không có, tuy nhiên vấn đề cốt lõi, sinh tử là nội dung chương trình. Lãnh đạo Đài giao Ban biên tập Âm nhạc và Ban Thư ký biên tập chịu trách nhiệm lên khung chương trình và nội dung chi tiết. Dự kiến Đài FM sẽ phát sóng liên tục 20 giờ/ngày, mỗi giờ 50-55 phút âm nhạc, 5 phút tin tức luân phiên tiếng Việt và tiếng Anh - nếu có quảng cáo, sẽ dành 2 phút/giờ cho phần này. Chủ quản trực tiếp Đài FM là Ban Biên tập Âm nhạc. Nhạc sĩ Cát Vận được cử làm Trưởng đài. Phần tin tức, cập nhật nhiều lần trong ngày, do Ban Biên tập Đối ngoại cung cấp cả tiếng Việt và tiếng Anh. Quản lý kỹ thuật và công nghệ thuộc trách nhiệm của Trung tâm Âm thanh và Ban Phát sóng Phát thanh.


Làm việc với nhạc sĩ Cát Vận, tôi đề xuất yêu cầu: Chương trình âm nhạc phục vụ nhiều đối tượng, do đó cần đa dạng, bao gồm ca khúc và nhạc không lời, cổ điển và hiện đại, dân tộc và thời thượng…, do anh cùng các nhạc sĩ quyết định. Điều kiện duy nhất lãnh đạo Đài đề ra là phải bảo đảm tỉ lệ tối thiểu 30% nhạc Việt Nam, 70% nhạc nước ngoài, sau một thời gian, tiến tới cân bằng 50-50.


Yêu cầu đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Trong điều kiện nước ta hồi ấy, lấy đâu ra nhạc phát liên tục suốt ngày đêm nếu không lặp lại các chương trình vừa lên sóng? Tôi trực tiếp liên hệ với Đài phát thanh quốc gia Pháp
Radio France ở Paris, làm việc với Đại sứ Pháp tại Hà Nội. Bạn đồng ý giúp đỡ. Tham tán văn hóa ĐSQ, Giáo sư Antoine Fleuret, Bí thư Laurent Passicousset, Tùy viên Jean-Christophe Baubiat kéo sang làm việc với Ban Quan hệ quốc tế của Đài, xin phép xem kho băng nhạc ở Trung tâm Âm thanh. Bạn đề nghị ta làm ngay các phiếu phân loại (fiche) để biết cụ thể đã có những gì, cần thêm loại nào, trên cơ sở Đại sứ quán sẽ đặt mua ngay tại Paris, viện trợ không hoàn lại.


Sóng cực ngắn FM là chuyện mới. Tôi giao Chánh Văn phòng Đài Hoàng Hàm thuê làm năm bảng quảng cáo lớn đặt ngoài trời, giới thiệu tần số và chương trình FM
Âm nhạc và tin tức bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bố trí tại nơi đông người qua lại như bờ hồ Hoàn Kiếm, ngã ba phố Trần Nhân Tông-Trần Bình Trọng xế cổng Công viên Thống nhất, vv. (kinh phí của Đài chỉ cho phép đặt làm năm bảng quảng cáo thôi!). 


Chỉ một thời gian sau, Đài FM nhận từ Pháp gửi máy bay sang nhiều thùng băng CD và băng cátxét nhạc nước ngoài. Hồi ấy Đài RFI có chương trình hợp tác với các nước châu Phi sử dụng tiếng Pháp, mỗi tuần làm và phát sóng trực tiếp một chương trình nhạc dân tộc dài một tiếng, do các nghệ sĩ từ lục địa đen sang Paris thực hiện. Chương trình nhạc được ghi luôn vào đĩa CD, đều đặn hằng tuần gửi sang Đài FM ta sử dụng không phải trả tác quyền. Nhờ vậy từ năm 1993, nhân dân Hà Nội có dịp thưởng thức nhiều loại nhạc các nước châu Phi hết sức “độc đáo” thời bấy giờ.


Phía Pháp cũng chấp nhận đề xuất của ta, mở lớp bồi dưỡng phóng viên tại Việt Nam, mỗi năm hai lớp, giáo sư và thiết bị đưa từ Pháp sang do bạn đài thọ mọi chi phí, thiết bị dùng thực tập xong, để lại biếu Đài TNVN. Bạn còn đề nghị ta cử hai cán bộ biên tập Đài FM cấp tốc học tiếng Pháp để kịp sang Paris ngay cuối năm học cách làm chương trình âm nhạc với thiết bị hiện đai.


Âm nhạc và tin tức - ảnh 3
Các nhạc sĩ tại phòng thu âm


 Nhìn lại, kinh phí do Nhà nước cấp để dựng Đài FM không lớn: khoảng 1,910 frăng Pháp, tương đương 2. 910 triệu VNĐ, bao gồm chi phí lắp đặt (Báo cáo quyết toán của  Giám đốc TTAT, Trưởng Ban Quản lý Công trình 12-86 Phùng Ngọc Oanh). Hợp tác quốc tế có hiệu quả. Tổng kết năm 1991, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Ngọc Ấn công bố: “Riêng những thiết bị do Pháp và UNESCO viện trợ, sau khi dùng tại các lớp học, để lại đủ lắp hoàn chỉnh một studio thu nhạc, trang bị một xe thu thanh lưu động cùng 13 máy cho phóng viên tác nghiệp”.


Ban Biên tập Âm nhạc báo cáo thời lượng lên sóng: “Hằng ngày Đài TNVN phát 68 tiếng (42 giờ đối nội, 28 giờ đối ngoại). Âm nhạc chiếm 52% thời lượng các chương trình đối nội, riêng sóng FM chiếm 89% phần nhạc đối nội, còn lại do sóng AM. Các dòng nhạc đã phát bao gồm nhạc nhẹ, nhạc thính phòng, giao hưởng, nhạc dân tộc - phần này mỗi ngày có hai chương trình dài 55’ ca nhạc truyền thống ba miền”.


Chương trình Âm nhạc và Tin tức được dư luận hoan nghênh. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nghỉ hưu, cùng phu nhân đến thăm lại Trung tâm Âm thanh và đồng ý cho Đài thu thanh đôi lời phát biểu của ông và của phu nhân, cũng là một cán bộ cách mạng lão thành, giữ làm tư liệu. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên sân thượng tòa nhà phố Bà Triệu xem ăngten sóng FM trước khi về lại phố Quán Sứ cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh chủ trì cuộc họp lãnh đạo nhiều bộ, ngành thông qua quy hoạch phủ sóng phát thanh toàn quốc do Đài TNVN trình bày…


So với hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ phát thanh quốc gia ngày nay, Đài FM 5KW chỉ là một cái ốc trong cỗ máy lớn. Nhưng 25 năm trước, có được cái đài nhỏ bé như vậy phục vụ nhân dân thủ đô là cả một sự kiện đáng kể.


Đài FM đầu tiên là một bước đi khiêm tốn nhưng quan trọng, bước đột phá nâng cao chất lượng làn sóng, phát huy truyền thống, thực hiện đổi mới phát thanh Việt Nam, làm cơ sở cho Hệ
Âm nhạc, Thông tin và Giải trí (VOV3), Đài TNVN dần dần hùng hậu và cuốn hút như ngày nay./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác