Cải thiện chính sách thị thực: Đòn bẩy thu hút khách quốc tế

(VOV5) - Việt Nam đã mở cửa sau đại dịch Covid-19 sớm hơn so với các nước trong khu vực, song chính sách thị thực (visa) lại kém hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. 
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện chưa được như kỳ vọng. Để cải thiện tình trạng này và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đã đề xuất để Quốc hội thông qua nhiều chính sách liên quan đến thị thực (visa).
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Việt Nam có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, với 8 di sản vật thể và 15 di sản phi vật thể, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 10 vườn di sản mà đã được Tổ chức Văn hóa-Khoa học-Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Đây là nền tảng hấp dẫn du khách rất lớn mà không phải nước nào cũng có.
Cải thiện chính sách thị thực: Đòn bẩy thu hút khách quốc tế - ảnh 1Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Hữu Trung

Tuy nhiên, thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thu hút được khách quốc tế như kỳ vọng, tốc độ phục hồi du lịch chưa đạt chỉ tiêu đã đặt ra. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là chính sách thị thực chưa thật sự hấp dẫn khi quy định thị thực điện tử Việt Nam có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày.

Đề cập đến những bất cập, hạn chế của chính sách thị thực này, ông Phạm Hà, Chủ tịch điều hành Luxury Travel cho biết: "Chúng tôi gặp những bài toán khó như là đối với những du khách được miễn visa thì họ chỉ đi được 15 ngày. Trong khi đó, với những khách Tây Âu thì đang mùa du lịch của họ, thì họ thường đi nhiều hơn 15 ngày. Cho nên, khi đến Việt Nam họ được miễn visa nhưng khi sang Campuchia và quay trở lại Việt Nam thì họ lại phải xin visa một lần nữa hoặc họ phải xin visa 1 tháng vào ra nhiều lần."

Để tạo thuận lợi hơn cho du khách đến Việt Nam, mới đây, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét, cho phép cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ, nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực visa từ 15 ngày lên 45 ngày. Đặc biệt, kéo dài thời gian thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Như vậy, du khách quốc tế khi đến Việt Nam có thể lưu trú tới 3 tháng và thoải mái ghé thăm các nước khác rồi quay trở lại Việt Nam mà không cần xin lại visa.

Theo các chuyên gia du lịch, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp tháng 5 năm nay sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, nhận định: "Tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện việc đơn giản hóa thị thực, tăng thời gian lưu trú cho du khách là động thái tháo gỡ rất tốt cho du lịch Việt Nam, khách đến sẽ ở lại lâu hơn, từ đó chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ."

Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành đón nhận thông tin Việt Nam nới lỏng chính sách thị thực với tâm thế vô cùng hứng khởi và nhiều kỳ vọng. Chính sách visa thuận lợi đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể thỏa sức tìm kiếm khách hàng ở những thị trường xa có mức chi tiêu cao với các sản phẩm du lịch dài ngày. Việc đơn giản hóa thủ tục visa, kéo dài thời gian lưu trú cho du khách để thu hút du khách, đồng thời tạo thuận lợi để các công ty du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng kết nối các điểm đến của Việt Nam với một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…

Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc công ty lữ hành Hà Nội Tourists, cho biết: "Các nguồn khách từ Anh về, trước đây họ chỉ yêu cầu chào mời tour từ 10-12 ngày lưu trú ở Việt Nam. Nhưng ngay tại thời điểm này, chúng tôi đã có những yêu cầu đặt tour 19-20 ngày và cả nối tour thêm nữa."

Chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Việc mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách sẽ đem lại những tín hiệu tốt cho ngành du lịch. Cùng với đó, để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và là lựa chọn hàng đầu của du khách thì các sản phẩm du lịch cũng cần phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của du khách khi tới tham quan. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh truyền thông về những chính sách đột phá của du lịch Việt Nam đến với du khách quốc tế.

Cải thiện chính sách thị thực: Đòn bẩy thu hút khách quốc tế - ảnh 2Ông Vũ Thế Bình, Chủ Tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam. Ảnh: baodautu.vn

Ông Vũ Thế Bình, Chủ Tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, cho rằng: "Tôi nghĩ rằng đây là một tín hiệu hết sức quan trọng đối với du lịch, cho nên tất cả các hệ thống thông tin truyền thông của nhà nước cũng như của các doanh nghiệp chúng ta đều phải triển khai nhanh nhất có thể.

Tôi nghĩ rằng ngoài kênh chính thống ra, trên hệ thống mạng xã hội, trên hệ thống các thông tin của các doanh nghiệp đến các đối tác, chúng ta cũng phải lập tức truyền thông thật tốt. Chúng tôi hy vọng rằng khi du khách nhận được thông tin, họ sẽ sớm có kế hoạch để đến Việt Nam."

Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nhận định đơn giản hóa thủ tục visa là thể hiện sự chào đón du khách đến với Việt Nam. Nếu đề xuất của Chính phủ được Quốc hội Việt Nam thông qua, sẽ có hiệu ứng rất tốt, góp phần đưa ngành du lịch Việt Nam tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, để Việt Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác