(VOV5) - Trong lĩnh vực lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mỗi năm, có khoảng 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Chiều qua (19/12), tại Hà Nội, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Di cư 2024 (18/12) và Tọa đàm “Hành trình di cư: Những bước chân cảm hứng”. Sự kiện có sự tham gia của hơn 180 người di cư, đại diện thanh niên và các tổ chức quốc tế.
Các đại biểu và các bạn trẻ tham dự lễ kỷ niệm và tọa đàm chụp ảnh chung. Nguồn: IOM |
Phát biểu tại sự kiện, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết theo ước tính của IOM, trong số 281 triệu người di cư trên thế giới, có 87 triệu người - tương đương khoảng 31%, ở độ tuổi dưới 30. Những người trẻ tuổi di cư để theo đuổi hy vọng và ước mơ của mình. Bà Pauline Tamesis kêu gọi cộng đồng chung tay giúp thanh niên, trong đó những người di cư trẻ, định hướng phát triển đúng đắn trước những phức tạp toàn cầu ngày nay, như: thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, sự phát triển của công nghệ, thay đổi cơ cấu dân số và biến đổi khí hậu.
Tham dự sự kiện, bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của thanh niên trong giải quyết các vấn đề phức tạp về di cư. Theo bà, tiếng nói, ý tưởng và hành động của thanh niên đóng vai trò quan trọng trong định hình các chính sách, chiến lược về di cư, góp phần đưa Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, bà Phan Thị Minh Giang thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong đảm bảo di cư an toàn và hỗ trợ người di cư. Theo đó, trong lĩnh vực lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mỗi năm, có khoảng 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; còn lĩnh vực đi học tập ở nước ngoài, trung bình mỗi năm là trên 10.000 người.
Trước xu hướng di cư ngày càng gia tăng, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người di cư, với một số kết quả nổi bật. Trong quá trình hỗ trợ người di cư, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các nước, đối tác quốc tế để tạo một mạng lưới quốc tế đảm bảo di cư hợp pháp, an toàn và phòng, chống di cư trái phép. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM).