Thế giới và các vấn đề về di cư

(VOV5) - Ngày 18/12 hằng năm được Liên hiệp quốc (LHQ) chọn là Ngày Quốc tế Người di cư.

Trong bối cảnh bất ổn và xung đột lan rộng trên toàn cầu hiện nay, di cư vẫn là chủ đề lớn với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tiếng nói về việc cần nhìn nhận các đóng góp quan trọng về kinh tế-xã hội của người di cư trên thế giới.

Tháng 12/2000, Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ chính thức chọn ngày 18/12 hằng năm là Ngày Quốc tế người di cư (IDM) nhằm lan tỏa các thông điệp của “Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả lao động di cư và các thành viên gia đình”, được ĐHĐ LHQ thông qua từ năm 1990.

Bức tranh xám về di cư

Trong “Báo cáo di cư thế giới 2024” công bố hồi tháng 7 năm nay, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết tính đến năm 2020, trên thế giới ước tính có khoảng 281 triệu người di cư, tức những người hiện đang sinh sống tại quốc gia không phải nơi mình sinh ra. Con số này nhiều hơn 128 triệu người so với năm 1990 và gấp 3 lần con số ước tính vào năm 1970. Điều này cho thấy di cư tiếp tục là một xu hướng lớn trong sự dịch chuyển dân số thế giới, dù số người di cư chỉ chiếm khoảng 3,6% dân số toàn cầu vào năm 2020.

Theo IOM, di cư là dòng chảy tự nhiên, phù hợp với các nhu cầu kinh tế-xã hội của các quốc gia, cộng đồng và di cư luôn là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn và xung đột lan rộng tại nhiều khu vực trên thế giới hiện nay, các vấn đề nhức nhối nhất liên quan đến di cư là tình trạng di cư cưỡng ép, di cư trái phép và số lượng người di cư thiệt mạng đang gia tăng đáng báo động.

Các xung đột lớn tại Sudan, dải Gaza, Ukraine, bất ổn chính trị kéo dài tại Trung Đông, Bắc Phi, khủng hoảng kinh tế ở Nam Mỹ… đang tạo nên những làn sóng di cư, tị nạn lớn nhất mà thế giới phải ứng phó kể từ sau làn sóng tị nạn Syria năm 2015. Cao ủy LHQ về người tị nạn, ông Filippo Grandi, cho biết: “Ngày nay trên thế giới có khoảng 123 triệu người phải bỏ nhà cửa ra đi. Đây là những người chạy trốn bạo lực, hành quyết và những cuộc xung đột mang lại hậu quả tàn khốc như tại Li-băng hay tại Gaza, nơi một lệnh ngừng bắn vô cùng cần thiết vẫn chưa được hiện thực hóa”.

Việc di cư cưỡng ép, và thường xuyên được thực hiện thông qua những con đường phi pháp, khiến sự an toàn, thậm chí tính mạng của những người di cư, tị nạn bị đe dọa. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người thiệt mạng trên đường di cư trong năm ngoái, theo những con số thống kê chính thức, ở mức cao kỷ lục là hơn 8.500 người. Các tuyến đường di cư lớn, như: từ Bắc Phi sang châu Âu qua biển Địa Trung Hải; từ Pháp sang Anh qua eo biển Manche hay Darien Gap, khu rừng nối Panama và Colombia ở Trung Mỹ, đều ghi nhận số người di cư thiệt mạng cao nhất trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, đang có một số dấu hiệu tích cực hơn về thực trạng di cư toàn cầu, đặc biệt là tại Syria, điểm nóng về di cư, tị nạn trong thập kỷ qua. Sau khi lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lật đổ chính quyền của ông Bashar Al-Assad và lên nắm quyền, một lượng lớn người tị nạn Syria được dự đoán sẽ hồi hương. Theo bà Rema Jamous Imseis, Giám đốc Cơ quan tị nạn LHQ phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi, khoảng 1 triệu người Syria sẽ trở về nước trong khoảng 6 tháng đầu năm sau, qua đó giảm đáng kể áp lực đối với các quốc gia tiếp nhận, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã đón 3 triệu người Syria từ năm 2011.

Vinh danh đóng góp của người di cư

Trong thông điệp phát đi nhân Ngày Quốc tế về di cư năm nay, IOM tiếp tục báo động về những vấn đề nhân đạo ngày càng gia tăng liên quan đến di cư toàn cầu, đặc biệt là tình trạng số người thiệt mạng tăng cao trên con đường di cư. Tuy nhiên, IOM cũng nhấn mạnh đến một khía cạnh khác trong vấn đề di cư là các đóng góp kinh tế ngày càng lớn của cộng đồng người di cư trên thế giới cho các quốc gia. Theo số liệu của IOM, lượng kiều hối mà những người di cư đóng góp cho các quốc gia gốc và gia đình đã tăng gấp 7 lần trong hơn 2 thập kỷ qua, từ mức 128 tỷ USD năm 2000 lên 831 tỷ USD năm 2022. Lượng kiều hối này là nguồn tài chính quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, nổi bật như: Ấn Độ (111 tỷ USD), Mexico (61 tỷ USD) hay Philippines (38 tỷ USD).

Nhằm nhấn mạnh những đóng góp này của cộng đồng người di cư trên thế giới, LHQ lấy chủ đề của Ngày Quốc tế về người di cư năm nay là “Vinh danh những đóng góp và tôn trọng những quyền của người di cư”. Phó Tổng Giám đốc phụ trách các chương trình hành động của IOM, bà Ugochi Daniels, cho biết: “Trong một thế giới mà chúng ta đang phải chứng kiến những cuộc khủng hoảng không hồi kết, IOM tin tưởng vững chắc rằng việc xử lý vấn đề di cư một cách khôn khéo là nền tảng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của tất cả các quốc gia”.

Nhằm bảo vệ quyền của người di cư và giúp các quốc gia khai thác tốt nhất những đóng góp về kinh tế-xã hội của người di cư, IOM công bố Lời kêu gọi toàn cầu 2025 để huy động các đóng góp tài chính. Theo IOM, nguồn tài chính được huy động sẽ phục vụ cho mục tiêu triển khai các kế hoạch hành động ở 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, trợ giúp cho ít nhất 100 triệu người di cư trên thế giới. Ở quy mô lớn hơn, Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres hôm 15/12 cũng kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ cam kết trong Thỏa thuận toàn cầu về Di cư an toàn, có trật tự và quy tắc (GCSORM), được LHQ thông qua cách đây 6 năm. Theo người đứng đầu LHQ, Hiệp định này đã cung cấp các giải pháp cụ thể để bảo vệ tính mạng, quyền lợi của người di cư, đồng thời xây dựng được khung pháp lý vững chắc để có thể huy động sự đóng góp hiệu quả của người di cư vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại mỗi quốc gia và cộng đồng tiếp nhận
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác