Mít tinh Ngày Quốc tế Người di cư 2020

(VOV5) - Ngày quốc tế Người di cư diễn ra vào ngày 18/12 hàng năm nhằm ghi nhận nỗ lực, đóng góp của người di cư trên toàn thế giới

Mít tinh Ngày Quốc tế Người di cư 2020 - ảnh 1

Quang cảnh lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Người di cư - Ảnh: qdnd.vn

Sáng 17/12, tại Hà Nội, Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế phối hợp cùng Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam tổ chức mít tinh Ngày Quốc tế Người di cư.

Ngày quốc tế Người di cư diễn ra vào ngày 18/12 hàng năm nhằm ghi nhận nỗ lực, đóng góp của người di cư trên toàn thế giới; thúc đẩy sự tôn trọng, bảo hộ các quyền cơ bản của người di cư. Năm 2020, Ngày quốc tế Người di cư có chủ đề “Reimagining Migration” (tạm dịch là "Định hình lại bức tranh di cư toàn cầu"). 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, một loạt yếu tố sẽ ảnh hưởng đến các đặc điểm và quy mô di cư toàn cầu. Người di cư ở nước ngoài dễ bị tổn thương do tác động của COVID-19 hơn những người không di cư. Họ không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, mất thu nhập mà còn có thể bị kỳ thị. Quan trọng hơn là người di cư cũng phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 như người dân của các nước sở tại. Rào cản văn hóa - ngôn ngữ và tình trạng kinh tế - xã hội có thể hạn chế họ tiếp cận với các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn.

Ông Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng Cục dân số (Bộ Y tế), cho biết: “Năm nay có điểm nhấn là đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, tại tất cả quốc gia vùng lãnh thổ và các cộng đồng dân cư. Nó tác động rất mạnh mẽ đến với người di cư. Người di cư bản thân đã là nhóm dân số yếu thế so với những người không di cư và so với người ở quốc gia sở tại, họ lại phải đối mặt với đại dịch Covid thì những khó khăn thách thức đối với họ lớn hơn rất nhiều. Làm thế nào để họ có thể tiếp cận các thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách chính xác, an toàn, hiệu quả. Vì thế, chủ đề Tiếng nói của người di cư trong bối cảnh COVID-19 đã được lựa chọn”.

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68,0% tổng dân số. Dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác