Châu Âu đối phó với khủng hoảng di cư mới: Khó khăn chồng chất

(VOV5) - EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau vào ngày 26/3 tới, nhằm tìm ra một giải pháp hai bên chấp nhận được để ngăn dòng người di cư vào Châu Âu mỗi ngày

Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ mở toang cánh cửa biên giới của mình với quốc gia láng giềng Hy Lạp cho hàng nghìn người tị nạn và người di cư khác, đẩy châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mới. Người ta lo ngại kịch bản một cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ lặp lại như hồi năm 2015, thậm chí có thể tồi tệ hơn bởi trong bối cảnh châu lục này còn đang phải oằn mình chống đỡ với đại dịch Covid-19 chưa biết bao giờ kết thúc.

Tiếp theo cuộc đàm phán ngày 9/3 EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau vào ngày 26/3 tới, nhằm tìm ra một giải pháp hai bên chấp nhận được để ngăn dòng người di cư vào Châu Âu mỗi ngày, tránh lặp lại kịch bản khủng hoảng di cư năm 2015 một lần nữa.  

Châu Âu đối phó với khủng hoảng di cư mới: Khó khăn chồng chất - ảnh 1Hình ảnh chiếc thuyền chở người di cư từ Zawiyah, Libya vào châu Âu. -Nguồn: AP 

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới?

Cách đây 4 năm, vào tháng 3/2016, các nhà lãnh đạo EU đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tỵ nạn. Cụ thể, EU nhất trí trả cho Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỷ euro và thúc đẩy cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập EU, để đổi lấy việc nước này ra tay ngăn chặn dòng người di cư tràn vào EU. Và, thỏa thuận đó thực sự đã phát huy hiệu quả. Suốt 3 năm sau đó, số lượng người tị nạn đến các đảo của Hy Lạp từ điểm trung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống đáng kể, từ mức đỉnh điểm 7000 người/ ngày, xuống còn vài trăm người/ngày. Song, các con số lại có xu hướng tăng trở lại từ năm 2019.

Lý do của tình trạng này là dù Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực để gia nhập EU, song triển vọng này trở nên khó khăn, khi Nghị viện châu Âu yêu cầu đóng băng tất cả các cuộc đàm phán thành viên mới. Yêu cầu của EU diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều biện pháp trấn áp mạnh tay trong nước khiến cho EU bất bình và lưỡng lự trong đàm phán.

Mặt khác, cuộc xung đột vũ trang giữa các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở tỉnh Idlib , thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria trong thời gian qua, đã làm trầm trọng hóa vấn đề người tỵ nạn, nỗi ám ảnh của các quốc gia châu Âu trong nhiều năm qua. Bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng ở Idlib, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại không được các nước phương Tây ứng cứu, vì vậy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tuyên bố sẽ mở cánh cửa chốt chặn đường đến châu Âu.

Và ngay sau khi quyết định bật đèn xanh của Tổng thống Erdogan cuối tháng 2/2020, nhiều người tị nạn từ Syria đã vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tiến về các vùng duyên hải và khu vực biên giới giáp Hy Lạp, Bungari.

Khủng hoảng kép

Để giải quyết vấn đề tị nạn người Syria và các nước Trung đông qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, EU buộc phải tiến hành đàm phán lại với Thổ Nhĩ Kỳ. Tại cuộc đàm phán lần thứ nhất hôm 9/3, hai bên đồng ý thành lập nhóm làm việc thực hiện thỏa thuận vấn đề di cư đã ký kết năm 2016. Điểm đáng chú ý trong cuộc hội đàm là phía EU đã nhất trí về nguyên tắc cung cấp tài chính cho cả người di cư, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này nhằm xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ để họ tìm ra những giải pháp hiệu quả kiểm soát dòng người di cư, tiến tới những thỏa thuận phù hợp với lợi ích cho cả EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự kiến hai bên sẽ họp vào ngày 26/3/2020 để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, EU đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, vừa đau đầu giải quyết vấn đề Brexit vừa ưu tiên củng cố nội khối. Bên cạnh đó, các vấn đề về kinh tế, ngân sách chung đang ngày càng là vấn đề lớn đối với EU. Và nghiêm trọng nhất hiện  nay, EU đang trở thành tâm dịch của thế giới. Thêm nữa, để giải quyết căn bản vấn đề người di cư, các bên cần phải chấm dứt cuộc chiến tại Syria, trong đó điểm nóng là tỉnh Idlib. Nhưng việc này không thể giải quyết được trong tương lai gần, khi vai trò của EU trong cuộc chiến này ngày càng mờ nhạt. Và Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng “lá bài” người di cư để mặc cả với EU. Xem ra, vấn đề người di cư tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với các nước EU sẽ còn tiếp tục kéo dài, chưa có hồi kết.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác