Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – một năm nhìn lại

(VOV5) - Năm 2016, số tiền Trung tâm tiến hành nhập liệu phân phối, trích hành chính phí và chi trả cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (bao gồm cả nhạc Việt Nam và Quốc tế) là gần 63 tỷ đồng. Tỷ lệ phân phối thành công là hơn 90%. 


Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – một năm nhìn lại - ảnh 1
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Nghe âm thanh tại đây:



Tính đến nay, thành viên của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là 3.550 người. Đối với thành viên tác giả nhạc quốc tế, thông qua việc ký kết các hợp đồng hợp tác song phương với nhiều tổ chức quản lý tập thể ở các quốc gia cũng như cam kết bảo hộ quyền tác giả giữa các tổ chức thành viên của CISAC (Liên minh quốc tế các hiệp hội nhà soạn Nhạc và Lời thế giới), thì số lượng thành viên nhạc quốc tế là trên 3,5 triệu tác giả thuộc 230 hiệp hội ở 157 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.Trong năm 2016, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã bước đầu đặt nền móng và bắt đầu đưa vào hoạt động bộ phận pháp chế của Trung tâm bao gồm các luật sư hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực quyền tác giả. Bộ phận này là một trong những bộ phận chiến lược của Trung tâm, góp phần tích cực trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý, xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, và các đơn vị cố tình không thực hiện nghĩa vụ “xin phép và trả tiền” khi sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh như: biểu diễn, sao chép băng đĩa nhạc, nhà hàng, quán karaoke… Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc trung tâm cho biết: “Từ năm 1995 đã có bộ Luật dân sự, trong bộ luật dân sự đã có 1 chương về quyền tác giả rất hoàn chỉnh. Năm 2005 Luật sở hữu trí tuệ ra đời và 2009 được chỉnh lại chặt chẽ hơn. Luật sở hữu trí tuệ tương đồng với công ước Borne, nhưng từ vấn đề quy định của luật pháp đến vấn đề thực thi luật pháp là một chặng đường, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Bảo vệ quyền tác giả, trước mắt là đem lại lợi ích hợp pháp cho tác giả để họ có nguồn năng lượng tái tạo sức lao động, nhưng mục đích là vì xã hội bởi luật pháp của nhà nước là vì lợi ích cộng đồng. Những vấn đề về sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng đã được cọng đồng quốc tế và các quốc gia thấy được tầm quan trọng cho sự phát triển của chính quốc gia đó. Sở dĩ các nước Anh, Pháp, Mỹ và gần chúng ta là Nhật Bản, Hàn Quốc, sở dĩ họ phát triển là trước hết, động lực cơ bản là họ đã bảo vệ kích hoạt được sự sáng tạo, chất xám trí tuệ. Tài nguyên thiên nhiên vô cùng quan trong nhưng không quan trọng bằng tài nguyên tri thức ở mỗi con người – gọi là nền kinh tế tri thức.Quyền sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng, là đòn bảy quan trọng cho quốc gia đó phát triển bền vững”.             

Điều đáng ghi nhận trong hoạt động bảo về quyền tác giả âm nhạc VN trong năm 2016 là các tác giả đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm thông qua việc tìm hiểu một cách đầy đủ hơn các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, thực hiện đúng hơn các nội dung ủy thác quyền theo hợp đồng. Các tác giả đã có ý thức trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với các tác phẩm của mình đang bị xâm phạm trên thị trường, phát hiện và thông báo cho Trung tâm cùng phối hợp xử lý. Trường hợp tác giả ủy quyền cho các tổ chức/cá  nhân khác trong khi đã ký hợp đồng ủy quyền với Trung tâm đã được khắc phục và giảm đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm trong việc bảo vệ và khai thác tối đa quyền, lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Nhạc sĩ Cát Vận cho rằng: “Trong hơn 10 năm qua, chỉ nhìn vào doanh số thôi cũng thấy Trung tâm bản quyền có sự nỗ lực cố gắng phí thường, đòi lại một phần quyền lợi cho các tác giả âm nhạc Việt Nam, nhưng điều đáng mừng là những bài hát của các nhạc sĩ được đánh giá thông qua tiền bản quyền. Đó là những con số biết nói, khẳng định tài năng của tác giả, sự tồn tại của âm nhạc Việt Nam trong đời sống đương đại”.

Năm 2016, nhiều tác giả đã tiến hành rà soát và thông báo hủy bỏ và chuyển hợp đồng ủy thác về Trung tâm quản lý và cấp phép, điều này đã đảm bảo được các quyền và lợi ích cho tác giả, cụ thể là tiền tác quyền của các tác giả này đã được tăng lên qua các kỳ phân phối. Trong năm 2016, số tiền Trung tâm tiến hành nhập liệu phân phối, trích hành chính phí và chi trả cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (bao gồm cả nhạc Việt Nam và Quốc tế) là gần 63 tỷ đồng. Tỷ lệ phân phối thành công là hơn 90%. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng: “Do điều kiện nhân sự và biến đổi về luật pháp mặc dù đến giữa năm việc thi hành luật biểu diễn mới được thực thi thì nó chặt chẽ hơn một bước nhưng chúng tôi chỉ tăng trưởng được 7 %. Trong suốt nhiều năm chúng tôi đều đạt mức tăng trưởng 10%, điều này khiến chúng tôi chưa hài lòng mặc dù có những lý do chính đáng. Tuy vậy mức thu của chúng tôi trước thuế cũng đạt trên 80 tỷ đồng”. Nhà nước vốn đã quan tâm đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, nhưng năm 2017 chúng tôi kỳ vọng nhà nước quan tâm hơn đến việc hướng dẫn thi hành luật pháp, những văn bản dưới luật là sao chặt chẽ, nghiêm túc hơn nữa để tạo điều kiện tốt nhất cho luật pháp có điều kiện được thực thi rộng rĩa trong cuộc sống”.

Hiện nay, Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sử dụng hệ thống phần mềm lưu trữ quốc tế Cisnet và phần mềm lưu trữ châu Á Mis@asia, đồng thời đăng ký thông tin thành viên IPI (Interested Parties Information) lên SUISA- Trung tâm IPI đặt tại Thụy Sỹ. Đây là các hệ thống phần mềm tương tác giúp Trung tâm cập nhật, lưu trữ, tra cứu dữ liệu tác phẩm/tác giả Việt Nam và quốc tế, đồng thời là cơ sở giúp cho các tổ chức bản quyền trên thế giới tra cứu, tìm kiếm thông tin về tác giả, tác phẩm âm nhạc Việt Nam trong quá trình cấp phép sử dụng và phân phối tiền cho tác giả.     

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác