Tôi ước gì mình đã xuất bản sách sớm hơn để được tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(VOV5) - Đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “bác Trọng” rời xa cõi thế. Giờ đây tôi mới có thể bình tâm để viết những dòng tưởng niệm gửi tới Tổng Bí thư.

Chiều ngày 19/7, khi nghe tin Tổng Bí thư đã từ trần, mới đầu tôi đã không thể tin được vào tai mình, sau khi chấp nhận sự thật, tôi rơi vào cú sốc đến lặng người. Tôi đã được nghe tin Tổng Bí thư phải nhập viện điều trị do nhiễm cảm mùa hè, tôi mang niềm tin mãnh liệt rằng bác Trọng sẽ sớm khỏe lại, rồi chúng ta sẽ lại được nhìn thấy nụ cười hiền hậu bác Trọng thêm lần nữa.

Nghĩ lại, trong chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam của Tổng thống Nga Putin ngày 20/6 vừa qua, Tổng Bí thư đã đúng khi giao phó việc đón tiếp cho cho Chủ tịch nước Tô Lâm để có thể nghỉ ngơi dưỡng bệnh một thời gian. Các hoạt động đối ngoại cấp cao là những hoạt động đòi hỏi nhiều sức và trí lực, và điều kiện sức khỏe của Tổng Bí thư lần này đã không cho phép. Cùng nhớ lại, vào năm ngoái Việt Nam đã có hai thành tựu ngoại giao thu hút sự chú ý của thế giới.

Những hội nghị cấp cao được tổ chức nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 9/2023 và chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023 cùng với đường lối “ngoại giao cây tre” đúng đắn mà Tổng Bí thư đề ra đã nâng cao vị thế của Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào dân tộc của nhân dân Việt Nam. Chính sách “ngoại giao cây tre” được lấy cảm hứng từ hình ảnh cây tre Việt Nam với rễ và thân vững chắc, cành và lá uyển chuyển ấy đã được được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi.

Tôi ước gì mình đã xuất bản sách sớm hơn để được tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ảnh 1Nhà văn Cho Chul-hyeol đến thăm trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Đông Anh, Hà Nội

Tôi đã viết rất tỉ mỉ về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng”. Vinh dự và may mắn cho bản thân tôi khi cuốn sách này đã trở thành cuốn sách đầu tiên trên thế giới viết về cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vào sinh nhật lần thứ 80 của Tổng Bí thư năm nay, ngày 14/4/2024, phiên bản tiếng Hàn của cuốn sách đã được xuất bản và nhận được sự đón nhận của độc giả hai nước Việt Nam, Hàn Quốc. Dự kiến vào cuối tháng 9 tới đây, phiên bản tiếng Việt của cuốn sách sẽ được giới thiệu tới bạn đọc. Trong quá trình đó, vào ngày 30/6 vừa qua, trong bữa tiệc chiêu đãi nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng có để cập trong bài phát biểu lời cảm ơn đến tôi, tác giả Cho Chul-hyeon, người đã viết cuốn sách đầu tiên trên thế giới về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là tác giả của cuốn sách, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào.

Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi đã tức tốc bay đến Hà Nội. Phải đứng và ngắm nhìn bầu trời Hà Nội, bầu trời cuối cùng mà Tổng Bí thư đã nhìn ngắm trước khi nhắm mắt đi xa, thì có lẽ tôi mới có thể bình tâm hơn được. Suốt chuyến bay tới Hà Nội, tôi nhắm chặt mắt và hồi tưởng lại những dấu ấn của Tổng Bí thư, đồng thời thành tâm nguyện cầu cho hương hồn Tổng Bí thư được an nghỉ. Những câu chuyện về người con trai út trong gia đình thuần nông nghèo khó, sinh ra ngay trước khi Việt Nam giành được độc lập từ thực dân Pháp (1944), hay câu chuyện về thời niên thiếu sống trong mưa bom bão đạn của cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi thì câu chuyện về thời sinh viên của Tổng Bí thư tại khoa Văn, Đại học Tổng Hợp Hà Nội… tất cả hiện lại như một thước phim quay chậm trước mắt.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1967, Tổng Bí thư gia nhập Đảng Cộng sản, theo tiếng gọi của Đảng, ông đã làm phóng viên và Tổng Biên tập cho “Tạp chí Cộng sản” trong 30 năm. Sau đó, ông lần lượt giữ chức Bí thư Thành phố Hà Nội (2000-2006) và Đại biểu Quốc hội (2002-2024), Chủ tịch Quốc hội (2007-2011), 3 nhiệm kỳ giữ chức Tổng Bí Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2011-2024), đóng góp giá trị nhân văn to lớn cho lịch sử hiện đại Việt Nam.

Và trung tâm của giá trị nhân văn đó chính là chủ nghĩa cộng sản mang phong cách Việt Nam. Trước hết, với tư cách là nhà lý luận cộng sản vĩ đại nhất trong thời đại của mình, Tổng Bí thư đã kiên quyết duy trì “ý niệm” về xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, với tư cách là một nhà cải cách tích cực ủng hộ chính sách Đổi Mới, Tổng Bí thư đã nỗ lực tối đa hóa “lợi ích” quốc gia để phát triển kinh tế xã hội. Dẫu việc dung hòa giữa hai yếu tố trên là vô cùng khó khăn, tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo kiệt xuất đã biết cách cân bằng cả hai một cách tinh tế.

Chính vì vậy, Tổng Bí thư được đánh giá là nhà lãnh đạo Việt Nam được kính trọng nhất kể từ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là lý do thôi thúc tôi viết tác phẩm về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt, là một nhà báo từng theo học chuyên ngành văn học, Tổng Bí thư đã vận dụng thơ ca, truyện dân gian truyền thống, gần gũi với người dân Việt Nam để tăng sức thuyết phục, truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản một cách dễ hiểu. Có những khi Tổng Bí thư trích dẫn một câu thơ hay trong “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du, đôi khi mượn những câu thơ của nhà thơ Tản Đà và nhà thơ cách mạng Nguyễn Bính. Tổng Bí thư cũng nhắc đến “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu, nhắc đến những anh hùng như Lê Văn Sĩ và Nguyễn Văn Cừ, những người đã hy sinh khi còn trẻ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, đồng thời kêu gọi tưởng nhớ Mạc Thị Bưởi.

Những ngày tháng 7, trong lúc người dân Việt Nam và nhân dân thế giới nghiêng mình tưởng niệm Tổng Bí thư, tôi ở lại Hà Nội, tìm đến trường cũ của Tổng Bí thư, trường THPT Nguyễn Gia Thiều và nơi quê hương “chôn rau cắt rốn” của Tổng Bí thư, những nơi in dấu những đam mê và hoài bão của Tổng Bí thư và dâng lên người bó hoa tưởng niệm. Trong hành trình tìm về giá trị của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nội dung được nhấn mạnh trong cuốn sách về Tổng Bí Thư, tôi may mắn có được sự đồng hành của những nhà báo Việt Nam. Thông qua đó tôi đã có thể truyền tải những thông điệp của mình đến đông đảo người dân Việt Nam.

Tôi ước gì mình đã xuất bản sách sớm hơn để được tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - ảnh 2Nhà văn Cho Chul-hyeol đến thăm quê của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người mà dù chỉ uống một ngụm nước thôi cũng nhớ về nguồn nước. Cội nguồn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hướng về đó là lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, đó là điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được duy trì và củng cố gần 100 năm nay (từ năm 1930), đó là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam trong sạch vững mạnh, không có tham nhũng, tiêu cực. Xóa bỏ tham nhũng cũng chính là sự nhạy bén, sáng suốt trong lãnh đạo của Tổng Bí thư nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam thông qua thu hút đầu tư nước ngoài. Với tư cách là tác giả người nước ngoài đầu tiên viết sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi tha thiết kêu gọi người dân Việt Nam đặt niềm tin và làm theo những đường lối mà Tổng Bí thư đã vạch ra, tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, phấn đấu trở thành một quốc gia hùng cường, không có tham nhũng, tiêu cực”.

Vào thời điểm những bài phỏng vấn của tôi đến được với người dân Việt Nam thông qua nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, tôi đã trở về Hàn Quốc. Ngày 25 tháng 7 vừa qua, tôi đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và bày tỏ lòng kính trọng tới Tổng Bí thư tại bàn tưởng niệm của Đại sứ quán. Tôi đã sống những ngày sau đó trong niềm tiếc thương vô hạn, trên hết, tôi thấy tiếc nuối vì Tổng Bí thư đã từ trần trước khi tôi kịp tặng cho ông phiên bản Tiếng Việt của cuốn sách. Giây phút ấy, tôi ước gì mình đã xuất bản sách sớm hơn, dù chỉ một năm thôi.

Để xoa dịu những ý nghĩ tự trách đó, tôi quyết định sẽ đến Hà Nội vào cuối tháng 8 này để thăm lại ngôi làng quê Tổng Bí thư. Giờ đây, tôi bận rộn với suy nghĩ phải ở lại đó khoảng một tuần và tập trung vào câu chuyện thời thơ ấu của Tổng Bí thư, đặc biệt là câu chuyện về sinh phụ, sinh mẫu của Tổng Bí thư để bổ sung vào cuốn sách của mình. Tôi ý thức rằng công việc tiếp theo của đời mình là tiếp tục bổ sung và quảng bá di sản vĩ đại của Tổng Bí thư qua những phiên bản đầy đủ hơn của tác phẩm. Và tôi đang mong chờ ngày được gặp lại Tổng Bí thư qua những câu chuyện, qua những con chữ.

Mong sao giây phút này, Tổng Bí thư đã về với thế giới của những người hiền, nơi Tổng Bí thư được hội ngộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay với nhà thơ Tố Hữu, người thi sĩ mà Tổng Bí thư vô cùng kính trọng, với những người bạn cùng khóa năm ấy đã hy sinh trong quá trình tác nghiệp tại chiến trường Miền Nam… Mong rằng Tổng Bí thư sẽ cùng với những vị anh hùng quên mình vì nước ấy nở những nụ cười và cùng phù hộ cho một tương lai hùng cường của Việt Nam.

Thật trùng hợp, năm nay đánh dấu kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Tôi xin kết thúc bài viết này bằng phép tưởng tượng về một buổi lễ trọng đại sẽ được tổ chức nơi thiên đường với sự tham dự của tất cả các nhà lãnh đạo Việt Nam ở nơi thế giới bên ấy. Với tất cả tấm lòng thành kính, nguyện cầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “bác Trọng” sẽ an nghỉ giấc ngủ ngàn thu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác