(VOV5) - Việc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân sinh sống và làm việc dọc tuyến Metro số 1.
Sáng qua (22/12), Thành phố Hồ Chí Minh đã khai trương tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro số 1) Bến Thành - Suối Tiên. Với việc khai thác tuyến metro đầu tiên này, Thành phố hy vọng tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực giao thông công cộng, đô thị hóa và phát triển kinh tế trong tương lai.
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố vận hành chính thức metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Ảnh: VOV Giao thông |
Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đi qua các Quận 1, Bình Thạnh, Thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) và Thành phố Dĩ An (Bình Dương). Gồm 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son) và 11 ga trên cao. Các đoàn tàu được thiết kế với 3 toa, sức chứa 930 hành khách, vận hành từ 5h đến 22h hàng ngày, với tần suất từ 8 - 12 phút mỗi chuyến. Thời gian di chuyển toàn tuyến từ Bến Thành đến Suối Tiên dự kiến khoảng 30 phút.
Tuyến Metro số 1 không chỉ mang lại giải pháp giao thông hiện đại, giảm ùn tắc, cải thiện chất lượng không khí, thúc đẩy phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển kinh tế thành phố. Với việc khai thác tuyến metro đầu tiên này, Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực giao thông công cộng và đô thị hóa trong tương lai.
Người dân hào hứng xuống tầng hầm để lên metro. Ảnh: VOV |
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Tuyến metro 1 không chỉ là công trình giao thông đô thị hiện đại mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn mình, hội nhập, phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh."Chúng ta bắt đầu một chương mới trên hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại. Mỗi người dân Thành phố và các du khách sẽ tích cực ủng hộ, sử dụng và góp phần duy trì và phát huy hiệu quả tối đa của tuyến đường sắt đô thị này để metro không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng văn hóa, là cầu nối giữa con người và những câu chuyện đầy nhân văn. Tuyến metro số 1 sẽ trở thành một không gian công cộng hiện đại, một phần của văn hoá đô thị sống động của Thành phố Hồ Chí Minh."
Cùng với việc đưa tuyến Metro 1 vào hoạt động, thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị triển khai mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) tại 3 nhà ga gắn với các bến xe, Khu phức hợp thể thảo... Từ đó, phát triển khu vực phía Bắc và phát triển giao thông khu vực cửa ngõ của thành phố. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông-Vận tải, Trường Đại học Việt Đức, cho rằng: "Với 3 nhà ga này thì các sở Quy hoạch – Kiến trúc, Giao thông vận tải và Tài nguyên – Môi trường có thể phối hợp để triển khai luôn quy hoạch chi tiết, làm thiết kế, làm mô hình đầu tư kinh doanh, tổ chức đấu thầu cho 3 khu vực này. Qua đó có thể tạo ra nhiều giá trị cho Thành phố."
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, tuyến Metro số 1 với sự tiện lợi, hiện đại và nhanh chóng, sẽ thu hút một lượng lớn người dân sử dụng. Các khu vực dọc tuyến Metro số 1 sẽ trở thành "điểm nóng" thu hút đầu tư vào bất động sản, thương mại và dịch vụ. Việc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân sinh sống và làm việc dọc tuyến Metro số 1.