Ấn Độ kết thúc thành công cuộc bầu cử lịch sử

(VOV5) - Giới quan sát cũng nhấn mạnh đến việc gia tăng bất bình đẳng trong xã hội Ấn Độ, nhất là giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Ngày 4/6, Ấn Độ tiến hành kiểm phiếu cuộc tổng tuyển cử kéo dài hơn 6 tuần. Cuộc bầu cử có sự phức tạp và quy mô lớn nhất thế giới diễn ra thành công, tạo tiền đề giúp Ấn Độ giải quyết các thách thức lớn về kinh tế và xã hội hậu bầu cử.   

Bắt đầu từ ngày 19/04, cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ được tổ chức trong 7 giai đoạn, kết thúc hôm 1/6. Hơn 642 triệu cử tri Ấn Độ đã đi bỏ phiếu để chọn ra 543 nghị sĩ tại Hạ viện Ấn Độ, qua đó cũng chọn ra đảng phái dẫn dắt Ấn Độ trong 5 năm tới.

Cuộc bầu cử lịch sử

Cuộc tổng tuyển cử tại quốc gia đông dân nhất thế giới được xem là thành công. Trong 6 tuần tổng tuyển cử, đã không xảy ra sự cố lớn đáng kể nào, dù đã có những lo ngại lớn về an ninh, đặc biệt tại một số bang ở miền Nam và một số bang có đông cử tri là người theo đạo Hồi. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt do các đợt nắng nóng gay gắt đã khiến hàng chục ngàn người sốc nhiệt và ít nhất hơn 50 người thiệt mạng, cũng không khiến tỷ lệ cử tri Ấn Độ đi bầu giảm quá nhiều. Thống kê cho thấy khoảng hơn 66% của tổng số gần 970 triệu cử tri Ấn Độ đã đi bỏ phiếu, con số chỉ thấp hơn khoảng 1% so với cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Ấn Độ kết thúc thành công cuộc bầu cử lịch sử - ảnh 1Cử tri bỏ phiếu trong giai đoạn 7 của cuộc tổng tuyển cử tại điểm bầu cử ở Jalandhar, Ấn Độ, ngày 1/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Người đứng đầu Uỷ ban bầu cử Ấn Độ (ECI), ông Rajiv Kumar tuyên bố: “Chúng tôi đã tạo ra một kỷ lục thế giới với 642 triệu cử tri Ấn Độ đi bầu. Số lượng này nhiều gấp 1,5 lần cử tri đi bỏ phiếu của toàn bộ các quốc gia công nghiệp phát triển – G7 cộng lại và nhiều hơn 2,5 lần toàn bộ cử tri đi bỏ phiếu của 27 nước Liên minh châu Âu (EU). Đây thực sự là sức mạnh khó tin của các cử tri Ấn Độ”.

Tham gia tranh cử năm nay trên thực tế có hơn 750 chính đảng. Mặc dù con số đảng phái là rất lớn, song cuộc bầu cử quốc gia tại Ấn Độ chủ yếu chứng kiến sự cạnh tranh giữa Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo và Liên minh Toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) do đảng Quốc đại dẫn đầu.

Thành tích kinh tế ấn tượng của Ấn Độ dưới sự điều hành của Thủ tướng Narendra Modi và đảng BJP, là yếu tố chính giúp BJP giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri. Thời gian qua, Ấn Độ luôn là 1 trong những nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và lên tới 8,2% trong năm tài khoá vừa kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Ngoài ra, dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ cũng thể hiện được vai trò ngày càng quan trọng trên thế giới, trở thành trụ cột của thế giới phương Nam, thành viên quan trọng của khối các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và là đối tác chiến lược ưu tiên của nhiều cường quốc. Trong nước, với việc đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc Hindu, đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi cũng xây dựng được một nền tảng cử tri vững chắc trong đa số dân chúng.

Ấn Độ kết thúc thành công cuộc bầu cử lịch sử - ảnh 2Cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu trong giai đoạn 7 của cuộc tổng tuyển cử tại điểm bầu cử ở Varanasi, Ấn Độ, ngày 1/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Thách thức hậu bầu cử

Hậu bầu cử, quốc gia đông dân nhất thế giới này phải giải quyết nhiều thách thức. Về mặt kinh tế, mặc dù Ấn Độ đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong 10 năm cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi và dự báo có thể lên vị trí thứ 3 trong vòng 2 năm tới, Ấn Độ vẫn là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong số các nền kinh tế thuộc nhóm mới nổi hàng đầu thế giới – G20. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp là một vấn đề lớn. Các số liệu của Trung tâm theo dõi kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ trong tháng 4 là 8,1%. Tại các khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ từ 15-29 tuổi là 17%. Đây chính là điểm mà các đảng đối lập tại Ấn Độ tập trung chỉ trích Thủ tướng Narendra Modi trong đợt tranh cử vừa qua. Ngoài ra, giới quan sát cũng nhấn mạnh đến việc gia tăng bất bình đẳng trong xã hội Ấn Độ, nhất là giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Theo nhà kinh tế Ashoka Mody, trường Đại học Princeton (Mỹ), việc chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi gia tăng trợ cấp sinh hoạt (khí đốt, lương thực…) cho người dân giúp ích về mặt ngắn hạn nhưng chưa đủ để tạo nên các thay đổi về chất giúp hàng triệu gia đình ra khỏi tình trạng đói nghèo. Chia sẻ quan điểm này, nhà xã hội học Ấn Độ, Pushpendra Kumar Singh, nhận xét: “Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng cao và điều này sẽ bù đắp cho những mất mát mà những người nghèo ở Ấn Độ phải chịu đựng. Tuy nhiên, đây cũng là một biểu hiện của việc gia tăng bất bình đẳng tại Ấn Độ. Người giàu sẽ giàu hơn còn người nghèo thì nghèo hơn và để ngăn chặn sự suy giảm mức sống, họ sẽ phải làm việc nhiều hơn”.

Bên cạnh các thách thức kinh tế, chính phủ Ấn Độ cũng cần giải quyết nhiều vấn đề phức tạp khác về tôn giáo và xã hội, khi các chia rẽ giữa cộng đồng 200 triệu người Hồi giáo, chiếm 14% dân số Ấn Độ, với đa số dân số là người Hindu có dấu hiệu gia tăng trong những năm qua. Ngoài ra, sự bất mãn của hàng triệu nông dân vì thu nhập thấp, thể hiện qua những cuộc biểu tình lớn năm ngoái, cũng là một vấn đề mà chính phủ Ấn Độ cần lưu tâm, nhằm tránh các căng thẳng xã hội bùng phát tại một quốc gia đông dân, đa dạng về văn hoá và tôn giáo như Ấn Độ.  

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác