Ưu tiên và dành nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(VOV5) - Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển bền vững đất nước.

Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu tiên và dành nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vấn đề này một lần nữa được khẳng định qua phiên họp sáng 17/6 của Quốc hội khóa XV cũng như trong các hoạt động gặp mặt các già làng, trưởng bản tiêu biểu, tại Hà Nội những ngày qua.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ưu tiên nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đặc biệt là nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc      

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ hơn 180 chính sách tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi (trong đó có 136 chính sách dân tộc). Các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân 2 - 3%/năm; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%. Một số tỉnh ước tỷ lệ nghèo năm ngoái giảm nhanh, như: An Giang giảm 11,3%, Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị 6,73%, Hà Giang 5,96%... Các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%. Tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.

Ưu tiên và dành nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 1ảnh minh họa. nguồn: qdnd.vn

Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (từ năm 2021 - 2025) có 4 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành. Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đã hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình, đến nay đã có gần 13 nghìn hộ được hỗ trợ nhà ở.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 27 chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến cuối tháng 10 năm ngoái, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 9,6% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đã được đẩy mạnh. Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tạo điều kiện hình thành và nhân rộng.

Hệ thống trường học và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được tiếp tục đầu tư. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh nhân dân, an toàn thực phẩm tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam, của tỉnh Hậu Giang, đánh giá: "Tôi thấy  các cấp các ngành cũng đã quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ các chủ trương giải pháp huy động tối đa các nguồn lực quan tâm thực hiện các dự án chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với chương trình giảm nghèo bền vững chương trình xây dựng nông thôn mới, các lĩnh vực trọng tâm, trọng yếu, tạo sự đồng thuận của nhân dân".

Tiếp tục đầu tư có trọng điểm

Năm nay, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời hoàn thành các đề án, chính sách dân tộc, trong đó có việc tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án đặc thù hỗ trợ hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về tạo điều kiện cho sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hành và có hội việc làm sau khi tốt nghiệp; Đề án đổi mới mô hình hoạt động của các cơ sở giáo dục...Phát biểu tại buổi gặp mặt hơn 100 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo, ngày 14/6, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: "Tôi đề nghị các ban, bộ, ngành, các địa phương, các cơ quan có liên quan thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia, tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức về phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc".

Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới… đã có những thay đổi rõ rệt. Việc thực hiện tốt chính sách dân tộc đã, đang và sẽ góp phần quan trọng trong phát triển bền vững đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác