An ninh hạt nhân - mối lo chung của thế giới

(VOV5)- Hôm nay, Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Hàn Quốc bước vào ngày làm việc cuối cùng với phiên họp toàn thể, thảo luận các giải pháp bảo vệ vật liệu và cơ sở hạt nhân, ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân. Tuy mục đích mà các nhà lãnh đạo thế giới kỳ vọng ở Hội nghị là rất rõ ràng nhưng xem ra nhiệm vụ này không dễ dàng chút nào nếu không muốn nói là vấn đề an ninh hạt nhân của thế giới đang rất khó kiểm soát và khó dự đoán.

Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham dự của 53 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước, cùng lãnh đạo của 4 tổ chức quốc tế, tăng thêm 10 thành viên so với hội nghị lần thứ nhất tại Washington năm 2010.



An ninh hạt nhân - mối lo chung của thế giới - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng hơn 50 nguyên thủ quốc gia trên thế giới tham dự phiên họp toàn thể đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai tại Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: chinhphu.vn

Theo nhận định của một số chuyên gia, hội nghị có thể bày tỏ ý chí kiên định của cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống hoạt động khủng bố hạt nhân, ủng hộ hoạt động của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong nỗ lực ngăn chặn việc tinh chế, gia công các vật chất hạt nhân có thể dùng vào việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Hoặc bằng việc rút ra bài học từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) nhằm đạt được các biện pháp trong việc bảo vệ các cơ sở hạt nhân dân sự và phòng ngừa các sự kiện khủng bố có tính phóng xạ. Thêm nữa là thông báo thành quả mới nhất trong việc cắt giảm nguyên liệu hạt nhân và cam kết mới nhất của các nước tham dự. 

Truyền thông nước chủ nhà cho biết, tại phiên bế mạc, hội nghị sẽ ra Thông cáo Seoul khẳng định lại những cam kết quốc tế trong việc giảm thiểu việc sử dụng uranium làm giàu ở cấp độ cao, đồng thời mở rộng các cuộc thảo luận về an toàn hạt nhân.



An ninh hạt nhân - mối lo chung của thế giới - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak - Nguồn: AFP

Tuy Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân lần này không đặt ra những mục tiêu đột phá nhưng xem ra việc triển khai những kết luận tại Hội nghị sẽ không mấy dễ dàng. Dư luận vẫn còn nhớ tại Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân lần thứ nhất năm 2010, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã xác định mục tiêu bảo đảm kiểm soát các vật liệu hạt nhân vào năm 2014. Nhưng xem ra 2 năm sau Hội nghị, đến thời điểm này, thế giới vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán đảm bảo an ninh hạt nhân.


An ninh hạt nhân - mối lo chung của thế giới - ảnh 3
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ một số quan chức cấp cao dự Hội nghị - Nguồn chinhphu.vn


Hiện nay số quốc gia sở hữu năng lượng hạt nhân ngày một tăng, thêm vào đó là sự lớn mạnh của các tổ chức khủng bố, lực lượng luôn tìm cơ hội để có được loại vật liệu này nhằm đe doạ hoà bình thế giới. Đáng lo ngại hơn, theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, hiện nay, nguyên liệu hạt nhân của thế giới đang ngày một phân tán, các kỹ thuật chế tạo vũ khí giết người hàng loạt từ nguyên liệu này được phổ biến ngày càng rộng rãi.

Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến năm 2011, toàn thế giới có tổng cộng 1.600 tấn uranium làm giàu với nồng độ cao và 500 tấn plutonium đủ để chế tạo gần 127 nghìn đầu đạn hạt nhân. Đặc biệt, uranium làm giàu dùng cho dân dụng đang bị quản lý lỏng lẻo. Đó là chưa kể đến giai đoạn 1993 - 2011, có hơn 2 nghìn báo cáo liên quan đến rò rỉ, trộm cắp hay buôn bán trái phép chất phóng xạ. Theo đó, 60% số lượng phóng xạ bị thất thoát không thể thu hồi được.  



An ninh hạt nhân - mối lo chung của thế giới - ảnh 4
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các nhà lãnh đạo thế giới trong phiên họp toàn thể Hội nghị an ninh hạt nhân sáng nay tại Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: AP


Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân lần thứ 2 diễn ra tại Hàn Quốc được xem như là sự tiếp nối Hội nghị thượng đỉnh giải trừ quân bị hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc năm 2009 và Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân lần thứ nhất diễn ra tại Washington năm 2010. Việc các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp lần thứ 3 trong vài năm gần đây để cùng tìm giải pháp cho một vấn đề không mới đủ để cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh hạt nhân đối với hoà bình của nhân loại. Với những tuyên bố dự kiến sẽ được đưa ra tại phiên bế mạc Hội nghị cấp cao lần này, dư luận hy vọng việc bảo đảm an ninh hạt nhân sẽ được các quốc gia thực thi tích cực, có thiện chí hơn dù vẫn biết rằng từ cam kết đến hành động là cả một quá trình./.

Phản hồi

Các tin/bài khác