(VOV5) - Tuần lễ tập trung vào ba ưu tiên là các chính sách kinh tế, thương mại thúc đẩy phục hồi kinh tế; đẩy mạnh phục hồi bao trùm và bền vững; thúc đẩy sáng tạo và số hóa.
Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 (APEC 28) theo hình thức trực tuyến và do New Zealand làm Chủ tịch, đã chính thức bắt đầu ngày 5/11 bằng Hội nghị Tổng kết các Quan chức Cao cấp APEC. Với chương trình nghị sự quan trọng đã được công bố, sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 28 được tin tưởng sẽ tạo ra nền tảng hợp tác quan trọng mới cho sự phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương, khu vực quy tụ nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới và đóng góp tới 60% GDP cùng gần 50% thương mại toàn cầu.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Tuần lễ cấp cao APEC 28 là hoạt động lớn, quan trọng nhất trong năm APEC 2021 với chủ đề “Cùng phối hợp - Cùng hành động - Cùng tăng trưởng”. Chủ đề này tập trung vào ba ưu tiên là các chính sách kinh tế, thương mại thúc đẩy phục hồi kinh tế; đẩy mạnh phục hồi bao trùm và bền vững; thúc đẩy sáng tạo và số hóa.
Tuần lễ cấp cao APEC 28 có các hoạt động chính là Hội nghị Tổng kết các Quan chức Cao cấp APEC; Hội nghị Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC); Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 32; Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC; Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và hoạt động trọng tâm, quan trọng nhất là Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28. Sự kiện này có nhiệm vụ quan trọng là thảo luận và quyết định về định hướng và tầm nhìn chiến lược cho hợp tác tương lai giữa các nền kinh tế APEC, tạo nền tảng cho sự phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lâu dài.
Những nghị sự quan trọng
Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC 28 ngày 12/11 có chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu Covid và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”. Hội nghị tập trung thảo luận hai nội dung chính là Triển vọng kinh tế toàn cầu và Hợp tác phục hồi sau đại dịch và dự kiến thông qua hai văn kiện là Tuyên bố Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Trong khi đó, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra ngày 11 – 12/11, theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, có sự tham dự của khoảng 4500 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị gồm 9 phiên thảo luận về các chủ đề: Tình hình thế giới; Phục hồi trong và sau đại dịch; Các cơ hội từ gián đoạn kỹ thuật số; Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; Tương lai năng lượng; Sức mạnh của niềm tin; Ưu tiên của doanh nghiệp trong thời gian tới; Công nghệ và đổi mới sáng tạo; và Hướng tới tương lai.
Đây đều là những nghị sự quan trọng, có tính chất định hướng, dẫn dắt, chi phối tương lai hợp tác giữa các nền kinh tế APEC và nhất là sẽ hình thành nền tảng cho sự phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nền tảng cho sự phát triển trong tương lai
Một trong những nội dung, nghị sự được quan tâm nhất tại Tuần lễ cấp cao APEC 28 là việc thông qua Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 được coi là bước đi quan trọng tiếp theo của APEC trong việc hình thành một nền tảng rõ ràng và vững chắc cho sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hai thập kỷ tới. Tầm nhìn này được các nhà lãnh đạo APEC thông qua tháng 11/2020 với mục tiêu hướng tới “một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai".
Trước Tuần lễ cấp cao APEC 28, tháng 7 vừa qua, New Zealand đã lần đầu tiên tổ chức cuộc họp không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC. Cuộc họp tập trung thảo luận về các giải pháp tăng cường hợp tác khu vực nhằm vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương.
Có thể thấy rằng, tất cả các bước triển khai của APEC trong thời gian qua đều nhằm hướng tới việc hình thành một nền tảng ổn định, vững chắc và khả thi cho sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong trung và dài hạn, đảm bảo châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực đi đầu trong phục hồi, phát triển và liên kết kinh tế của thế giới trong tương lai.