ASEAN khẳng định mạnh mẽ vai trò trung tâm trong khu vực

(VOV5)- Không chỉ chốt lại những vấn đề quan trọng nhất của ASEAN trong năm 2015, ASEAN còn khẳng định mạnh mẽ vai trò trung tâm của mình trong khu vực.


Tại Trung tâm Thương mại Thế giới Putra của thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, đang diễn ra các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) và các Hội nghị liên quan, dự kiến khai mạc vào ngày mai, 4/8. Đây là một sự kiện thường niên quan trọng trong chuỗi các hoạt động của ASEAN trong năm. Hơn 4 tháng trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng ASEAN, các Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ chốt lại những vấn đề quan trọng nhất của ASEAN trong năm 2015, ASEAN còn khẳng định mạnh mẽ vai trò trung tâm của mình trong khu vực đang có những diễn biến phức tạp, khó lường.


ASEAN khẳng định mạnh mẽ vai trò trung tâm trong khu vực - ảnh 1
Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) nhóm họp tại Trung tâm Thương mại Thế giới Putra ở thủ đô Kuala Lumpur . (Ảnh: Kim Dung-Chi Giáp/Vienam+)


Ngay từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập cách đây 48 năm, các nước thành viên sáng lập đã luôn hướng tới mục tiêu là gắn kết tất cả các nước trong khu vực dưới một mái nhà chung: hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng. Ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN vì thế mà gắn liền với lịch sử 48 năm hình thành và phát triển ASEAN. Gần nửa thế kỷ qua, dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng ASEAN luôn chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của mình. ASEAN đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo an ninh khu vực 


Cứ đến dịp tháng 7, tháng 8 hàng năm, ASEAN lại đón hàng chục đối tác hàng đầu trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới tham dự các diễn đàn hợp tác, đối thoại quan trọng. Có thể kể đến Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), cơ chế đối thoại Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN+1, ASEAN+3, ASEAN+6.., trong đó nổi bật là Diễn đàn Khu vực ARF. Đến nay, sau gần 22 năm thành lập, ARF đã trở thành Diễn đàn chính trị - an ninh lớn nhất khu vực với sự tham gia của 18 nước bên ngoài ASEAN, góp phần quan trọng vào xây dựng môi trường an ninh khu vực. Theo đánh giá của các chính khách, ARF thành công bởi tổ chức này đã mang lại lợi ích an ninh cho từng quốc gia thành viên cũng như cả khu vực và luôn tạo ra không khí đối thoại hòa bình trong các vấn đề an ninh chung. Thứ trưởng Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin cho rằng: ARF là một trong những diễn đàn quan trọng nhất trong khu vực của chúng ta. Không chỉ bàn về vấn đề phải giải quyết trong lĩnh vực chính trị và an ninh, diễn đàn còn là nơi để các nhà lãnh đạo ASEAN, lãnh đạo các nước đối tác tìm kiếm cơ hội hợp tác, tăng cường xây dựng lòng tin, giải quyết những thách thức chung mà khu vực đang phải đối mặt. 



Các cơ chế, diễn đàn của ASEAN đang có sự phát triển và ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với cấu trúc an ninh khu vực, góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển chung. Vì vậy, trong những năm gần đây, các nước đối tác rất quan tâm đến ASEAN, luôn ủng hộ lập trường của ASEAN, không chỉ hỗ trợ mục tiêu xây dựng cộng đồng mà kể cả trong vấn đề giải quyết các thách thức an ninh trên biển Đông. Tổng thư ký Lê Lương Minh cho biết: Tất cả các nước đối tác đều ủng hộ lập trường của ASEAN về giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở nguyên tắc 6 điểm của ASEAN. Tất cả các nước đối tác của ASEAN đều ủng hộ nội lực của ASEAN xử lý giải quyết vấn đề Biển Đông đối với Trung Quốc trên cơ sở làm sao đảm bảo an ninh ổn định khu vực cũng như đảm bảo được an ninh về hàng hải, an ninh biển. Hiện nay, có tới 74 nước không phải thành viên cử đại sứ tại ASEAN, thể hiện nguyện vọng và quan tâm của các nước tăng cường hợp tác với ASEAN.


Thực chất và hiệu quả quan hệ giữa ASEAN với các đối tác


Nhìn lại 1 năm qua, kể từ Hội nghị ngoại giao ASEAN lần thứ 47 tổ chức tại Myanmar, không chỉ đẩy mạnh hợp tác nội khối mà quan hệ của ASEAN với từng bên đối thoại tiếp tục phát triển tích cực và thực chất. Với Trung Quốc, quan hệ hai bên được mở rộng sang một số lĩnh vực mới và được làm sâu sắc hơn thông qua việc hình thành một số cơ chế mới. Với Nhật Bản, bên cạnh việc thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký, Nhật Bản tiếp tục tăng cường hợp tác về ứng dụng công nghệ vệ tinh trong quản lý thiên tai, ngoại giao, y tế toàn cầu, tăng trưởng xanh chống biến đổi khí hậu và quản lý đô thị hóa. Với Ấn Ðộ, hai bên nỗ lực thúc đẩy các dự án kết nối Ấn Ðộ - ASEAN cả về đường bộ, đường không, hàng hải, kỹ thuật số... Với Hàn Quốc, ASEAN và Hàn Quốc đang dần hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 150 tỷ USD vào cuối năm nay. Với Hoa Kỳ, hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối thoại lên tầm chiến lược. Hoa Kỳ luôn khẳng định coi ASEAN là trung tâm của cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là trung tâm của chiến lược tái cân bằng mà Mỹ đang hướng tới. Tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-ASEAN, nhất là lĩnh vực quốc phòng, được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A. Carter khẳng định: Có thể khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa các nước ASEAN và Mỹ là cơ hội ngày càng tăng để chúng ta tiếp tục cộng tác với nhau nhằm giải quyết những thách thức an ninh mới và lâu dài trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hợp tác quốc phòng ASEAN-Mỹ là một dấu mốc quan trọng cho thấy mối quan hệ ngày càng tăng giữa Mỹ và các nước ASEAN và là một chỉ dấu nữa về vai trò quan trọng của ASEAN mà Mỹ hết sức coi trọng.


Là những hoạt động cuối cùng trước khi ASEAN hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015, AMM48 cùng các hội nghị liên quan giữa chắc chắn sẽ đem lại những kết quả thiết thực. Không chỉ tiếp tục củng cố đoàn kết và hợp tác nội khối, ASEAN còn tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực và thế giới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác