Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian biển

(VOV5) - Quy hoạch này là pháp lý quan trọng cho vấn đề quản lý tài nguyên môi trường biển gắn với các lĩnh vực kinh tế để phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương.

Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 (ngày 13/5), dự kiến sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới. Quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, là công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý nhà nước về biển, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả không gian biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian biển - ảnh 1

Quy hoạch không gian biển quốc gia, được Cục biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường, xây dựng nhằm định hướng cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững, tạo sự thống nhất trong hệ thống quy hoạch phát triển đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.

Khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế biển

Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài trên 3.260km. Diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác.

Với hơn 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như: giao thông vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển...Để khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế từ biển, việc lập Quy hoạch không gian biển quốc gia góp phần triển khai các chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển, là nhiệm vụ quan trọng, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.

Quy hoạch không gian biển quốc gia được thiết kế theo hướng mở và liên tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước. Quy hoạch được xây dưng dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu, sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu của các bộ, ngành cơ quan trung ương và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh:

Quy hoạch này là pháp lý quan trọng cho vấn đề quản lý tài nguyên môi trường biển gắn với các lĩnh vực kinh tế để phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho được. Quan điểm được xác định ở 4 trụ cột đó là: đảm bảo chủ trương chính sách của Đảng, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo hội nhập quốc tế và đảm bảo môi trường phát triển bền vững.

Công cụ hữu hiệu quản lý không gian biển

Là quốc gia biển, việc xác định rõ quy hoạch không gian biển là vô cùng cần thiết, nhằm xây dựng Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Quy hoạch không gian biển cũng nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất trên cơ sở tích hợp các quy hoạch có liên quan để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cùng với đó, bảo đảm phát triển bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa tiềm năng vị thế, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực và vùng biển, ven biển của Việt Nam, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, đặc biệt là khoáng sản dưới đáy biển. Ông Phan Xuân Thuỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định: Quy hoạch không gian biển có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia có biển, là công cụ quan trọng để cụ thể hóa quy hoạch tổng thế quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế-xã hội, sức chống chịu, sức tải môi trường... hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia giàu mạnh từ biển.

Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian biển - ảnh 2 Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Khương Trung

Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển. Trong đó, xác định đến năm 2030, các ngành kinh tế biển đóng góp khoảng 10% vào GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Việc Quy hoạch không gian biển quốc gia được trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới sẽ góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, các giá trị tự nhiên - văn hóa - lịch sử và chất lượng môi trường trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác