Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa

(VOV5) - Thiết chế văn hoá, thể thao phải được coi là một bộ phận hết sức quan trọng của thiết chế liên quan đến hạ tầng xã hội.

Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” diễn ra ngay 12/5, tại Quảng Ninh. Hơn 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cùng sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý. Hội thảo đề cập đến một vấn đề thời sự, rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai các chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển văn hóa, thể thao.

Hội thảo cung cấp luận cứ khoa học phục vụ quá trình xây dựng pháp luật và giám sát thực hiện pháp luật của Quốc hội đối với lĩnh vực rất quan trọng, đang cần được tập trung ưu tiên phát triển.      

Thể chế hóa các chủ trương về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa

Qua gần 40 năm đổi mới, từ những thiết chế văn hoá, thể thao khép kín, biệt lập, thiếu kết nối, Việt Nam đã xây dựng và phát triển được một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương đối toàn diện và đồng bộ, bao phủ từ trung ương tới cơ sở, từ các đô thị cho đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo. 

Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng cộng sản Việt Nam, pháp luật của Nhà nước về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa.

Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa - ảnh 1Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa

Các chuyên gia, diễn giả tập trung bàn về thực trạng quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao. Ảnh: dangcongsan.vn

Hiện nay, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được trình cấp có thẩm quyền ban hành. Nhiều quy hoạch tiếp tục được bổ sung, tích hợp trong hệ thống quy hoạch của ngành văn hóa, thể thao, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đến nay, toàn quốc hiện có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. 

Hệ thống thư viện, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát, trung tâm huấn luyện thể thao, nhà thi đấu, phòng tập, sân tập thể thao…được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang; và đang tiếp tục được nâng cấp hiện đại hơn, một số cơ sở tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Tính đến hết tháng 3 năm nay, Việt Nam có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh (trung tâm văn hoá, trung tâm văn hóa nghệ thuật, trung tâm văn hóa - điện ảnh,...); 98% quận, huyện có trung tâm văn hoá - thể thao hoặc nhà văn hoá;  gần 78% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá -thể thao…

Ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu được  thông qua các Chương trình bổ sung có mục tiêu, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Những điểm nhấn trọng tâm về chính sách và nguồn lực trong thời gian tới

Thiết chế văn hoá, thể thao phải được coi là một bộ phận hết sức quan trọng của thiết chế liên quan đến hạ tầng xã hội. Trong thời gian tới, Việt Nam tập trong vào 5 nhóm vấn đề để phát triển thiết chế văn hóa và thể thao đáp ứng yêu cầu hội nhập. Về chính sách trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cho biết: "Nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và chính sách xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở văn hóa thể dục thể thao để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển."

Quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao sẽ được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Quỹ đất cho các thiết chế văn hóa, thể thao được bố trí tại vị trí thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế.

Các cơ quan chức năng quan tâm xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh niên, trẻ em, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi.   Ngoài ra, việc xây dựng chính sách ưu tiên ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng.

Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao khi được quan tâm đúng mức không chỉ đảm bảo quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, thể thao của người dân mà còn là động lực để phát triển kinh tế đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác