Cách mạng Tháng Tám và bài học về nắm thời cơ

(VOV5) - Trong các cuộc cách mạng, vấn đề xác định thời cơ, chuẩn bị lực lượng để chớp thời cơ là điều hết sức quan trọng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng sinh động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám và bài học về nắm thời cơ  - ảnh 1
Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945 (Ảnh: nhandan.com.vn).

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là một hình mẫu đáng tự hào về tổng khởi nghĩa giành chính quyền cho các dân tộc bị đế quốc, thực dân nô dịch trên thế giới noi theo. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra như đợt sóng trào, không đầy 2 tuần lễ đã lật nhào ách thống trị của đế quốc, đạp đổ ngai vàng phong kiến đã ngự trị hàng ngàn năm trên đất nước Việt Nam, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thắng lợi của sự chủ động, đoàn kết

Cuộc Tổng khởi nghĩa 1945 là quá trình chuẩn bị lâu dài khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Công cuộc này được đẩy nhanh khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, nhất là khi lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Năm 1941, Trung ương đã xác định được tình hình trong nước chuyển biến mau lẹ và đề ra mục tiêu giải phóng dân tộc là trên hết. PGS.TS Phạm Xanh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: "Thời cơ trong cách mạng Tháng 8 chính là phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Đó chính là thời cơ có tác động đến toàn bộ cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương. Chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương tận dụng được thời cơ đó và biến thời cơ đó thành điều kiện để cuộc cách mạng Tháng 8 thắng lợi. Người theo dõi, bám sát và lợi dụng thời cơ đó chính là Đảng Cộng sản Việt Nam".

Đối với cách mạng Tháng Tám, thời cơ xuất hiện trong khoảng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng ngày 13/8/1945 và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất Việt Nam ngày 5/9/1945. Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 13/8 và sau ngày 5/9 khó có khả năng thành công. Cuộc cách mạng Việt Nam sẽ mất đi thế chủ động, gặp nhiều khó khăn. Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: "Từ cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, chỉ trong vòng 1 tuần là Huế, Sài Gòn và cả nước đã giành được chính quyền. Điều này thể hiện ý chí thống nhất, lực lượng sẵn sàng, sự lãnh đạo nhanh nhạy trên cả nước. Trong điều kiện giao thông, thông tin liên lạc hết sức khó khăn nhưng đã đồng khởi. Điều này cũng thể hiện được ý chí của người dân và sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh".

Vận dụng trong thời bình

Bài học thời cơ và vận hội dân tộc của Cách mạng Tháng Tám còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và hội nhập đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhìn về những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, thời cơ và vận hội đất nước sẽ bị vuột qua nếu Việt Nam không biết chớp lấy. Muốn làm được điều này chỉ có thể bằng sức mạnh nội lực, sự đồng lòng từ trên xuống dưới. Bài học tập hợp lực lượng, đón lấy thời cơ và vận hội, chủ động hội nhập và phát triển từ lịch sử chưa bao giờ hết tính thời sự đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước lúc này. PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Học viện Khoa học xã hội,cho rằng: "Việt Nam đang trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng nên phải chuẩn bị mọi điều kiện. Chuẩn bị tốt thì chúng ta có lợi trong hội nhập. Đó là kinh nghiệm rút ra từ cách mạng Tháng 8. Thứ hai là tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng phải giữ vững độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam phải kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ cao nhất nguồn lực bên ngoài góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững".

Những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong suốt 70 năm qua, nhất là trong 30 năm đổi mới, đều bắt nguồn từ những nền tảng đầu tiên là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, bài học lớn nhất, có ý nghĩa thời sự sâu sắc nhất là khẳng định sự lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng, phát huy lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nắm lấy thời cơ để giành thắng lợi. Đây cũng là kim chỉ nam cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay khi Đảng CSVN linh hoạt nắm bắt thời cơ và vận hội lãnh đạo dân tộc vượt qua những thử thách để hội nhập quốc tế. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác