Căng thẳng leo thang nghiêm trọng tại Libya

(VOV5) - Đến giữa tháng 8, một số cuộc đấu súng lẻ tẻ đã được ghi nhận và bùng phát thành giao tranh dữ dội từ đêm 26/8, kéo dài trong suốt ngày 27/8.

Giao tranh đẫm máu đã bùng phát trong những ngày qua giữa các phe đối địch tại Libya, quốc gia Bắc Phi vẫn chìm sâu trong khủng hoảng an ninh-chính trị từ sau phong trào Mùa xuân A rập năm 2011. Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi khẩn trương tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn bạo lực, không để xung đột lan rộng và tác động bất lợi tới sự ổn định của khu vực và thế giới.

Căng thẳng leo thang nghiêm trọng tại Libya - ảnh 1Ông Fathi Bashagha phát biểu với báo giới tại Tripoli ngày 10/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ghi nhận của Liên hợp quốc và các nguồn tin khu vực, giao tranh bùng phát những ngày qua giữa những người ủng hộ hai chính quyền đối địch ở Libya đã khiến hàng trăm người bị chết và bị thương. Trong đó, riêng trong ngày 27/8, đụng độ khiến ít nhất 23 người thiệt mạng cùng khoảng 140 người khác.  

Giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt

Các cuộc giao tranh được ghi nhận bùng phát tại thủ đô Tripoli và một số thành phố lớn khác trên khắp Libya, là hệ quả trực tiếp của cục diện chính trị căng thẳng duy trì suốt nhiều tháng qua ở quốc gia Bắc Phi. Căng thẳng nổi lên khi Quốc hội có trụ sở ở thành phố Tobruk miền Đông Libya hồi tháng 2 vừa qua chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới thay thế Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) Abdul Hamid Dbeibah được Liên hợp quốc hậu thuẫn.

Động thái này đã lập tức vấp phải sự phản đối và chỉ trích gay gắt từ phía GNU. Ông Dbeibah tuyên bố không chuyển giao quyền lực cho bất kỳ chính phủ nào, ngoại trừ một chính phủ dân cử. Trong khi đó, những người ủng hộ GNU cảnh báo Quốc hội ở Tobruk đang thách thức quyền lực hợp pháp được Liên hợp quốc công nhận.

Ít tuần trước khi giao tranh đẫm máu nổ ra, các nguồn tin đã ghi nhận sự xuất hiện của nhiều nhóm vũ trang hoạt động xung quanh thủ đô Tripoli. Đến giữa tháng 8, một số cuộc đấu súng lẻ tẻ đã được ghi nhận và bùng phát thành giao tranh dữ dội từ đêm 26/8, kéo dài trong suốt ngày 27/8.

Căng thẳng leo thang nghiêm trọng tại Libya - ảnh 2Khói bốc lên ở thủ đô Tripoli, Libya ngày 27/8/2022. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, dù đã tạm lắng dịu trong hai ngày qua (28-29/8), nhưng các cuộc đụng độ ác liệt gây nhiều thương vong vừa qua cho thấy mức độ nghiêm trọng của cục diện đối đầu căng thẳng hiện nay giữa hai phe đối địch tại Libya. Nếu không được kiểm soát tốt, các cuộc đụng độ có nguy cơ lan rộng thành một cuộc nội chiến nguy hiểm với những tác động có thể vượt xa biên giới Libya. Bởi lẽ, thực tế những năm qua cho thấy, Libya luôn là một trong những điểm xuất phát chính của làn sóng người tỵ nạn và di cư bất hợp pháp từ châu Phi vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Bên cạnh đó, tình trạng khủng hoảng tại Libya hoàn toàn không có lợi cho sự ổn định tại nhiều quốc gia khu vực cũng đang đối mặt nhiều khó khăn về an ninh-kinh tế-xã hội như Ai Cập, Tunusia…

Thúc đẩy giải pháp ngoại giao để duy trì sự ổn định cho Libya

Trước thực tế đáng lo ngại hiện nay tại Libya, Liên hợp quốc cùng nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã liên tiếp kêu gọi tiến hành các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang và tái lập sự ổn định tại Libya. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai tiến trình chính trị, trước mắt là tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội Libya vốn được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 12/2021, nhưng bị trì hoãn vì nhiều lý do.

Căng thẳng nổi lên khi Quốc hội có trụ sở ở thành phố Tobruk miền Đông Libya hồi tháng 2 vừa qua chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới thay thế Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) Abdul Hamid Dbeibah được Liên hợp quốc hậu thuẫn. 

Trong một tuyên bố chính thức ngày 25/8, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình ở Libya, nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc "đang theo dõi các diễn biến đáng lo ngại ở Libya, trong đó có các động thái huy động lực lượng, đe dọa sử dụng vũ lực nhằm đạt các mục đích chính trị". Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các bên liên quan thực hiện giảm căng thẳng, đồng thời chú ý đến những nhu cầu của người dân, đó là hòa thuận chính trị và hòa bình.

Cùng ngày, Phái đoàn Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Libya “chấm dứt ngay các hành động thù địch” nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tạo điều kiện thúc đẩy các giải pháp chính trị. Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Libya ra thông báo bày tỏ “hết sức lo ngại” về các vụ giao tranh tại Tripoli, kêu gọi các bên kiềm chế và tiến hành đối thoại giải quyết bất đồng.

Đặc biệt, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc quyết định tiến hành phiên họp đặc biệt về tình hình Libya vào ngày 30/8 (giờ Mỹ), để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Dư luận quốc tế hy vọng cuộc họp có thể thông qua một nghị quyết quan trọng yêu cầu các bên tại Libya chấm dứt các hành động thù địch, mở đường cho việc triển khai giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, trong đó có việc xây dựng một Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ dưới sự giám sát quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác