Châu Âu và những bất đồng trong việc giải quyết vấn đề di cư

(VOV5) -  Nhiều người vẫn trao mạng sống của mình cho các băng đảng đưa người vượt biên bất hợp pháp vào EU, với hy vọng có cuộc sống tốt hơn ở quê nhà.

Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục không đạt được sự đồng thuận về vấn đề di cư sau khi Hungary và Ba Lan phản đối mạnh mẽ thỏa thuận này tại Hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra trong 2 ngày 29 - 30/6, ở Brussels (Bỉ). Phản ứng của 2 nước cho thấy di cư vẫn là vấn đề không dễ giải quyết của Liên minh châu Âu.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều người thiệt mạng khi đến châu Âu một cách bất hợp pháp. Chỉ 2 tuần trước hội nghị, một trong những vụ chìm tàu chở người di cư tồi tệ nhất đã xảy ra ở Ðịa Trung Hải khi một tàu chở khoảng 750 người di cư đã chìm ngoài khơi Hy Lạp.

104 người được cứu, 82 thi thể được tìm thấy, trong khi số phận của những người còn lại chưa được xác định. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng vụ việc là kết quả trực tiếp của chính sách "Pháo đài châu Âu" mà Brussels theo đuổi kể từ năm 2016, sau khi hơn 1 triệu người Syria di chuyển sang châu Âu để tránh xung đột trong nước (năm 2015).

  Châu Âu và những bất đồng trong việc giải quyết vấn đề di cư - ảnh 1Châu Âu bất đồng trong hướng giải quyết khủng hoảng di cư. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự bất bình của Hungary và Ba Lan

Theo thỏa thuận về vấn đề di cư được trình tại Hội nghị thượng đỉnh EU, mỗi quốc gia EU sẽ chịu trách nhiệm một số lượng người di cư nhất định. Những quốc gia không muốn nhận hạn ngạch có thể chọn giúp đỡ các quốc gia tiếp nhận với mức chi phí lên tới 20.000 euro cho mỗi người di cư. 

Thực tế, đầu tháng 6 vừa qua, sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Luxembourg, các Bộ trưởng nội vụ EU đã thống nhất quan điểm đàm phán về quy định thủ tục xin tị nạn và quy chế quản lý tị nạn và di cư. Thỏa thuận được đánh giá là một “sự cân bằng tốt” về trách nhiệm đối với những người xin tị nạn và thể hiện sự đoàn kết trong EU, đồng thời là bước đột phá về vấn đề di cư. Nếu thỏa thuận mà các Bộ trưởng EU mô tả là “lịch sử” này có thể vượt qua các cuộc đàm phán cuối cùng với Nghị viện châu Âu cũng như được quốc hội của từng nước chính thức phê chuẩn, nó có thể thay đổi bộ mặt di cư tại châu Âu. Nhưng viễn cảnh ấy là không hề dễ dàng.

Hungary và Ba Lan là 2 nước duy nhất trong EU bỏ phiếu chống. 2 quốc gia này cùng tuyên bố sẽ không hợp tác, sẽ tìm cách ngăn chặn hiệp ước di cư và tị nạn. Và tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 29/6, Ba Lan và Hungary tiếp tục khẳng định thỏa thuận được thông qua với sự ủng hộ của đa số, chứ không phải là sự đồng thuận.

Phát biểu tại Brussels sau cuộc họp thượng đỉnh, ngày 30/6, lãnh đạo Hungary và Ba Lan coi thỏa thuận này là xâm phạm chủ quyền quốc gia và cho rằng điều khoản trong thỏa thuận sẽ chỉ khuyến khích các làn sóng người di cư đến châu Âu cũng như tạo điều kiện cho nạn buôn người. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki mô tả khoản thanh toán 20.000 euro là "tiền phạt" và là một hình thức "ép buộc". Theo ông, một châu Âu với biên giới an toàn không dành cho nhập cư bất hợp pháp, không phải để áp đặt các hình phạt tài chính. Thủ tướng Ba Lan cho biết nước này có kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc tái định cư của người di cư cùng ngày với cuộc bầu cử quốc hội năm nay (tháng 10 hoặc tháng 11). Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết ông sẽ tiếp tục ngăn chặn các quy tắc di cư mới cho đến khi đạt được sự đồng thuận và coi đề xuất này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hungary.

Về phần mình, trong tuyên bố được đưa ra cùng ngày (30/6), sau hội nghị ở Brussel (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết quan điểm của Ba Lan và Hungary đã được ghi nhận, nhưng ông nhấn mạnh rằng “vấn đề di cư là một thách thức đối với châu Âu, đòi hỏi phải có một phản ứng chung”. Theo ông Charles Michel, EU tiếp tục đánh giá "tình hình di cư và tiến độ thực hiện" các chính sách khác nhau để vừa đảm bảo bảo vệ biên giới bên ngoài của EU vừa cứu được sinh mạng trên biển. Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho rằng vụ đắm tàu bi thảm gần đây ở Địa Trung Hải là lời nhắc nhở rõ ràng về việc EU cần tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ để giải quyết thách thức di cư ở châu Âu.

Di cư luôn là vấn đề nan giải của EU

Sự bế tắc lần này là dấu hiệu mới nhất cho thấy vấn đề di cư tiếp tục trở thành một chủ đề gai góc tại mọi hội nghị thượng đỉnh của EU. Với việc người di cư tiếp tục đến châu Âu qua các tuyến đường Địa Trung Hải và những thảm kịch như vụ chìm thuyền di cư ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, châu Âu không dễ dàng có giải pháp hiệu quả. Tại hội nghị thượng đỉnh của EU, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đề nghị các nhà lãnh đạo thảo luận lại về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo lập luận rằng vấn đề di cư nên được đề ra trong chương trình nghị sự của các hội nghị thượng đỉnh.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 3/7, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, quốc gia đang đảm nhiệm luân phiên chức Chủ tịch liên minh châu Âu (EU), cho biết Liên minh châu Âu (EU) muốn một thỏa thuận vào cuối năm nay, trong đó đưa ra các nội dung về cách xử lý hàng nghìn người di cư đang hướng về châu lục này. Từ góc độ chính trị, đây sẽ là một biểu tượng quan trọng, sau nhiều năm đối diện với cuộc khủng hoảng di cư.

Và, trong lúc các nước EU vẫn chưa có một chính sách chung thỏa đáng về vấn đề người di cư thì bên kia bờ Địa Trung Hải, nhiều người vẫn trao mạng sống của mình cho các băng đảng đưa người vượt biên bất hợp pháp vào EU, với hy vọng có cuộc sống tốt hơn ở quê nhà.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác