Cục diện mới tại Afghanistan

(VOV5) - Sau hơn 20 năm bị quân đội Mỹ lật đổ, Taliban đã trở lại nắm quyền điều hành đất nước, mở ra một cục diện mới tại quốc gia Nam Á này.

Sau một loạt diễn biến nhanh chóng, ngày 15/8, lực lượng Taliban đã tuyên bố kết thúc chiến tranh và giành toàn quyền kiểm soát đất nước Afghanistan. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani thừa nhận thất bại và đã rời khỏi đất nước. Như vậy, sau hơn 20 năm bị quân đội Mỹ lật đổ, Taliban đã trở lại nắm quyền điều hành đất nước, mở ra một cục diện mới tại quốc gia Nam Á này.

Cục diện mới tại Afghanistan - ảnh 1Chiến binh Taliban tại dinh tổng thống Afghanistan, Kabul, ngày 15/08/2021. Ảnh: AP/ Zabi Karimi

Trong một tuyên bố cùng ngày 15/8, phát ngôn viên chính trị của Taliban Mohammad Naeem cam kết Taliban sẽ sớm làm rõ hình thức nhà nước và chế độ chính trị tại Afghanistan. Với tuyên bố này, Taliban đã chính thức khẳng định quyền làm chủ của mình tại đất nước này.

Taliban trở lại nắm quyền     

Tuyên bố của phát ngôn viên chính trị Taliban được đưa ra chỉ vài giờ sau khi lực lượng này tiến vào thủ đô Kabul và nhanh chóng kiểm soát toàn bộ các cơ quan Chính phủ, bao gồm dinh Tổng thống. Trước khi chiếm Kabul, Taliban đã giành quyền kiểm soát 33/34 tỉnh thành của Afghanistan. Đà tiến quân của Taliban gần như không vấp phải sự phản kháng đáng kể nào từ phía quân đội Afghanistan.

Ngày 16/8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã chính thức lên tiếng thừa nhận sự sụp đổ của chính quyền, khẳng định việc ông rời khỏi đất nước là để tránh đổ máu. Ông Ghani cũng cáo buộc Taliban đã dùng vũ lực chống lại tiến trình dân chủ tại đất nước. Theo các nguồn tin, ông Ghani đã lên máy bay rời khỏi Afghanistan trước khi Taliban tiến vào Kabul. Tuy nhiên, điểm đến của nhà lãnh đạo này chưa được công bố.

Cục diện mới tại Afghanistan - ảnh 2Lực lượng Taliban phất cờ trên dinh tổng thống ở Kabul ngày 16/8. Ảnh: Reuters

Mỹ và nhiều nước phương Tây đều đã lên tiếng xác nhận việc Taliban chiếm quyền kiểm soát Kabul và toàn Afghanistan, đồng thời khẳng định sẽ không đưa lực lượng trở lại quốc gia Nam Á.   

Như vậy, chỉ 3 tháng sau khi Mỹ và đồng minh bắt đầu rút hầu hết lực lượng chiến đấu khỏi Afghanistan theo cam kết, Taliban đã giành quyền kiểm soát đất nước theo một kịch bản khá bất ngờ: sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền trung ương Afghanistan. Một cục diện mới đã được mở ra tại Afghanistan, nhưng với nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời chắc chắn.

Cục diện mới khó đoán định

Trong tuyên bố sau khi Taliban tiếp quản Kabul, phát ngôn viên chính trị Mohammad Naeem nhấn mạnh Taliban đã đạt được mục tiêu theo đuổi hơn 20 năm qua là  “tự do cho đất nước và độc lập cho nhân dân". Quan chức Taliban cũng cam kết bảo đảm an toàn cho tất cả các phái bộ ngoại giao quốc tế, đồng thời kêu gọi các lãnh đạo Afghanistan và các quốc gia liên quan tiến hành đối thoại để giải quyết các mối quan hệ song phương và khu vực. Đặc biệt, Taliban cam kết cơ cấu chính quyền mới sẽ bao gồm cả các nhân vật nằm ngoài tổ chức này, tôn trọng quyền của phụ nữ và các dân tộc thiểu số, cũng như quyền tự do ngôn luận, trong khuôn khổ luật Hồi giáo Sharia.

Căn cứ phát ngôn này, có vẻ như Taliban ngày nay có nhiều khác biệt so với giai đoạn lực lượng này lãnh đạo đất nước Afghanistan cách đây hơn 20 năm (1996-2001). Tuy nhiên, theo đánh giá của giới tình báo cũng như các nhà phân tích Mỹ và châu Âu, không có gì đảm bảo chắc chắn về tương lai của đất nước và người dân Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Taliban. Mối quan ngại này xuất phát từ nhiều cơ sở. Trước hết, thế mạnh của Taliban là hoạt động vũ trang, chưa phải một tổ chức chính trị dân sự phù hợp để điều hành đất nước. Cùng với đó, Afghanistan đang trong tình trạng kiệt quệ về tài chính và ngày càng bất ổn về an ninh-chính trị-xã hội sau nhiều năm dài chiến sự.

Bên cạnh đó, dù cam kết tôn trọng quyền phụ nữ và tự do ngôn luận, song Taliban vẫn khẳng định điều đó nằm trong khuôn khổ luật Sharia, bộ luật hà khắc mà lực lượng này đã triển khai để trấn áp dân chúng giai đoạn cầm quyền trước đây. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là Taliban có quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức khủng bố và cực đoan, trong đó có Al Qaeda và IS. Taliban có thể tồn tại và lớn mạnh như ngày hôm nay một phần là nhờ sự trợ giúp đắc lực của nhiều tổ chức khủng bố và cực đoan khu vực, bên cạnh một số thế lực khác. Bởi vậy, rất có thể Taliban sẽ tiếp tục duy trì các mối liên kết này trong giai đoạn lãnh đạo đất nước thời gian tới.

Mặc dù vậy, có không ít quan điểm cho rằng, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế và những thực tiễn đã trải qua, Taliban có thể có những điều chỉnh tích cực trong quản lý đất nước giai đoạn tới. Người dân Afghanistan sẽ sống và xây dựng đất nước dưới chế độ do Taliban điều hành như thế nào, tất cả mọi vấn đề đều được thực chứng trong tương lai gần.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác