Dải Gaza nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới

(VOV5) - Bạo lực bùng phát trở lại tại dải Gaza hôm 18/03 khi quân đội Israel tiến hành nhiều cuộc không kích lớn khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Việc quân đội Israel nối lại các cuộc tấn công quy mô lớn vào dải Gaza từ hơn 1 tuần qua không chỉ phá vỡ hy vọng mong manh về kéo dài lệnh ngừng bắn được duy trì trong 2 tháng qua tại dải đất này, mà còn có nguy cơ đẩy Gaza cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông vào một vòng xoáy bạo lực mới nguy hiểm hơn.

Bạo lực bùng phát trở lại tại dải Gaza hôm 18/03 khi quân đội Israel tiến hành nhiều cuộc không kích lớn khiến hơn 200 người thiệt mạng, đánh dấu việc thỏa thuận ngừng bắn thiết lập từ hôm 19/01 chính thức đổ vỡ.

Bạo lực leo thang

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc không kích đầu tiên hôm 18/03, người phát ngôn quốc tế của quân đội Israel, ông Nadav Shoshani cho biết Israel phải tấn công phủ đầu để ngăn chặn việc phong trào Hamas ở dải Gaza đang lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công theo kịch bản ngày 7/10/2023 nhằm vào nhiều địa điểm tại Israel, cũng như gây sức ép buộc Hamas thả toàn bộ các con tin mà phong trào này vẫn đang giam giữ. Liên tiếp các ngày sau đó, Israel đẩy mạnh các cuộc không kích, ra lệnh sơ tán đối với dân thường ở Bắc Gaza, đồng thời đẩy nhanh việc chuẩn bị tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn mới tại Gaza. Vòng xoáy bạo lực mới tại Gaza đang gây ra các hậu quả nặng nề. Theo số liệu của Cơ quan Y tế dải Gaza, trong vòng 1 tuần kể từ khi Israel nối lại các hành động quân sự tại Gaza, đã có hơn 730 người thiệt mạng và khoảng 1.300 người bị thương.

Dải Gaza nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới - ảnh 1Một người Palestine bị thương sau các cuộc không kích của Israel tại Gaza ngày 19/3. Ảnh: AP

Nghiêm trọng hơn, nhiều nhân viên của Liên hiệp quốc (LHQ) cũng như các tổ chức nhân đạo quốc tế khác cũng đã trở thành nạn nhân. Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết một cơ sở của LHQ ở Deir Al Balah, miền Trung Gaza, đã trúng đạn từ xe tăng của quân đội Israel, khiến 1 nhân viên thiệt mạng và 6 người khác bị thương nặng. Hôm 24/03, một tòa nhà của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) ở thành phố Rafah, phía Nam Gaza, cũng trúng đạn pháo. Trước tình trạng nguy hiểm hiện nay, hôm 24/03, LHQ đã phải quyết định cắt giảm 1/3 số nhân viên và thu hẹp hoạt động của tổ chức này tại dải Gaza. Theo người phát ngôn LHQ, ngoài việc leo thang quân sự tại Gaza, việc Israel chặn cung cấp viện trợ nhân đạo từ hơn 3 tuần nay vào Gaza là không thể chấp nhận được, do đó, các nước cần gây sức ép để chấm dứt tình hình hiện nay: “Tất cả các bên phải luôn luôn tuân thủ luật pháp quốc tế. Tất cả các quốc gia cần sử dụng tất cả các biện pháp để chấm dứt cuộc xung đột và bảo đảm việc tuân thủ luật pháp quốc tế, thông qua việc dùng sức ép ngoại giao và kinh tế, đồng thời đấu tranh chống lại việc không bị trừng phạt”.

Tuy nhiên, bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế, chính quyền Israel cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi các kế hoạch của mình. Trong những ngày qua, bên cạnh các cuộc tấn công tại Gaza, quân đội Israel cũng tiến hành không kích đa mục tiêu ở miền Nam Li-băng và Syria. Các động thái này dấy lên lo ngại về vòng xoáy bạo lực mới trên toàn bộ khu vực Trung Đông giống như thời điểm cuối năm ngoái, khi chưa có thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và ở Li-băng giữa Israel và lực lượng Hezbollah. Người phát ngôn quân đội Israel, Nadav Shoshani, tuyên bố: “Chúng tôi đã lên các kế hoạch khác nhau cho các kịch bản khác nhau. Chúng tôi có năng lực tiến hành các kế hoạch khác nhau này. Chúng tôi sẽ hành động tùy theo tình hình, tùy theo chỉ đạo từ chính phủ cũng như tùy theo điều kiện trên thực địa”.

Đe dọa kế hoạch tái thiết Gaza

Trước nguy cơ dải Gaza tiếp tục chìm vào vòng xoáy bạo lực mới, vào thời điểm số người thiệt mạng kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát tháng 10/2023 đã vượt quá con số 50 ngàn, các quốc gia đang gấp rút thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục lệnh ngừng bắn. Các nguồn tin trong khu vực cho biết hôm 24/03 Ai Cập đã đưa ra đề xuất mới nhằm khôi phục thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Theo đề xuất này, phong trào Hamas sẽ thả 5 con tin Israel mỗi tuần và Israel thực thi giai đoạn hai của lệnh ngừng bắn sau tuần đầu tiên. Đề xuất của Ai Cập nhiều khả năng cũng bao gồm lộ trình thả toàn bộ con tin để đổi lấy lộ trình Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, với sự bảo đảm của Mỹ. Một số nguồn tin cho biết cả Mỹ và Hamas đều nhất trí với đề xuất này, nhưng Israel vẫn chưa phản hồi. Trong khi đó, các nước châu Âu, vốn có quan điểm về xung đột tại dải Gaza tương đối gần gũi với các nước Arab, lên tiếng kêu gọi Israel nối lại đàm phán. Bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), tuyên bố: “Nối lại các đàm phán là cách thức khả thi duy nhất để chấm dứt nỗi đau của tất cả các bên. Bạo lực chỉ nuôi dưỡng thêm bạo lực. Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự leo thang nguy hiểm, mang lại sự lo âu không thể chịu nổi cho các con tin và gia đình của họ, cũng như gây ra đau thương và chết chóc cho thường dân Palestine”.

Dải Gaza nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới - ảnh 2Một cậu bé ngồi giữa đống đổ nát sau các cuộc không kích của Israel ở Gaza. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, tình hình leo thang bạo lực trở lại không chỉ đe dọa kéo dài xung đột Gaza, gây thêm các hậu quả nặng nề cho hàng triệu thường dân vốn đã kiệt sức tại dải đất này mà còn đe dọa khai tử kế hoạch tái thiết dải Gaza nhiều tham vọng mà các nước Arab thông qua hồi đầu tháng này. Theo dự kiến, trong tháng 4, các nước Arab và LHQ sẽ cùng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về tái thiết Gaza, với trọng tâm là việc xây dựng cơ chế và lộ trình chi hơn 53 tỷ USD để tái thiết dải Gaza, đồng thời thiết lập bộ máy quản trị mới tại Gaza hậu xung đột. Tuy nhiên, với việc giao tranh leo thang trở lại tại Gaza giữa Israel và phong trào Hamas, các bên thiết kế kế hoạch Gaza sẽ khó có thể sớm loại bỏ hoàn toàn vai trò chính trị của Hamas tại Gaza trong thời gian tới, dù đây là một trong những điều kiện tiên quyết mà Mỹ, Israel và châu Âu đặt ra trong việc xây dựng tương lai Gaza hậu xung đột.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác