(VOV5) - Sau thoả thuận ngừng bắn 30 ngày nhằm vào hạ tầng năng lượng, Mỹ, Nga và Ukraine hôm 25/03 cũng công bố thoả thuận chấm dứt các hành động quân sự trên biển Đen, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại.
Theo thông tin được phái đoàn Mỹ công bố hôm 25/03 sau 3 ngày đàm phán riêng rẽ với các phái đoàn Nga và Ukraine tại thủ đô Ryiadh của Saudi Arabia, Nga và Ukraine nhất trí đảm bảo an toàn hàng hải, loại bỏ việc sử dụng vũ lực và ngăn chặn việc sử dụng tàu thương mại cho mục đích quân sự ở Biển Đen.
Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ tại vùng chiến sự. Ảnh: TASS |
Bước tiến tiếp theo
Thoả thuận chấm dứt các hành động quân sự thù địch trên Biển Đen là tín hiệu tích cực tiếp theo đối với các nỗ lực giải quyết xung đột Nga-Ukraine mà chính quyền của Tổng thống Mỹ, Donald Trump đang nỗ lực thúc đẩy. Sau thoả thuận (trên nguyên tắc) về việc ngừng bắn 30 ngày nhằm vào hạ tầng năng lượng Nga và Ukraine, thoả thuận ngừng bắn Biển Đen giúp hoàn tất 2/3 mục tiêu mà nhiều bên đặt ra từ nhiều tháng qua là thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn diện trên bộ, trên không và trên biển. Thoả thuận này cũng có thể mở đường cho việc hồi sinh Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, vốn được các bên nhất trí thực thi từ tháng 7/2022, ít tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhưng sụp đổ sau đó 1 năm do bất đồng giữa các bên. Việc hồi sinh sáng kiến này không chỉ giải toả tuyến đường hàng hải chính cho xuất khẩu nông sản, phân bón của Nga và Ukraine mà còn mang lại những tác động tích cực cho thế giới. Người phát ngôn Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ), ông Stephan Dujarric tuyên bố: “Việc đạt được một thoả thuận về tự do hàng hải ở Biển Đen, qua đó bảo vệ được các tàu hàng dân sự và cơ sở hạ tầng cảng là đóng góp quan trọng đối với an ninh lương thực và chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cũng phản ánh tầm quan trọng của các tuyến đường thương mại từ Nga và Ukraine ra thị trường toàn cầu”.
Vấn đề đặt ra với các bên hiện nay là làm sao để thoả thuận Biển Đen sớm được thực thi. Theo Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, mấu chốt nằm ở việc các lệnh trừng phạt đối với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, cần phải được gỡ bỏ, đồng thời Mỹ cũng cần đưa ra các đảm bảo rằng phía Ukraine làm đúng như cam kết. Trong khi đó, phía Ukraine và các đồng minh châu Âu yêu cầu Nga thể hiện thiện chí bằng cách chấp nhận thoả thuận mà không đưa ra các điều kiện tiên quyết. Ngoại trưởng Mỹ, Marco Rubio thừa nhận đây là vấn đề lớn với các bên, và phía Mỹ sẽ cần thêm nhiều thảo luận kỹ thuật với Nga trước khi trình các phương án lên Tổng thống Donald Trump quyết. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng vào thời điểm hiện nay, điều quan trọng là các bên tham gia xung đột đều đang đàm phán một cách nghiêm túc: “Tôi nghĩ rằng điều tích cực ở đây là chúng ta đưa được cả hai phía Nga và Ukraine vào các đàm phán về lệnh ngừng bắn, dù về việc ngừng bắn đối với hạ tầng năng lượng hay có thể là ngừng bắn trên Biển Đen. Tất nhiên, đây là một công việc phức tạp và khó khăn”.
Sự cứng rắn của châu Âu
Theo giới quan sát, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc sớm thực thi các lệnh ngừng bắn (30 ngày nhằm vào hạ tầng năng lượng và trên Biển Đen), dù các bên đã đồng ý trên nguyên tắc, đó là quan điểm ngày càng khác biệt giữa Mỹ với châu Âu, các đồng minh quan trọng nhất của Ukraine. Trong khi chính quyền Mỹ thể hiện cách tiếp cận mang tính đối thoại với Nga thì châu Âu thời gian qua gia tăng quan điểm cứng rắn. Trong hơn 1 tuần qua, các nước Liên minh châu Âu (EU), cùng Anh và một số đối tác khác ngoài khu vực (như Australia, Canada), đã tổ chức 3 cuộc họp cấp cao với chủ đề trọng tâm là việc tiếp tục cung cấp trợ giúp quân sự cho Ukraine, đồng thời hoàn thiện cơ chế xây dựng “liên minh tự nguyện” nhằm đưa quân gìn giữ hoà bình đến Ukraine một khi các bên đạt được thoả thuận ngừng bắn toàn diện và lâu dài. Kết thúc cuộc họp Thượng đỉnh về trợ giúp Ukraine hôm 27/03 tại Paris, Pháp, các nước châu Âu cũng tuyên bố không tính đến việc sớm gỡ bỏ trừng phạt đối với Nga, thậm chí còn gia tăng trừng phạt để gây sức ép. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz tuyên bố: “Đối với chúng tôi, điều quan trọng vào thời điểm này, đó là việc ngưng các lệnh trừng phạt (với Nga) sẽ là một sai lầm lớn. Các lệnh trừng phạt cần phải tiếp tục, thậm chí gia tăng và châu Âu cùng Mỹ cần phải cùng nhau đưa ra quan điểm rõ ràng về việc trợ giúp Ukraine hơn nữa. Việc chấm dứt các lệnh trừng phạt khi hoà bình còn chưa đạt được là không hợp lý và không may là chúng ta còn cách hoà bình khá xa”.
Quan điểm trên của châu Âu được xem là trở ngại đáng kể đối với các đàm phán kỹ thuật chi tiết mà Mỹ-Nga hiện đang tiến hành nhằm thực thi thoả thuận Biển Đen. Theo Ngoại trưởng Mỹ, Marco Rubio, chính quyền Mỹ khó có thể làm gì với những lệnh trừng phạt không do nước này đưa ra. Trong khi đó, phía Nga kiên quyết yêu cầu Mỹ giúp khôi phục quyền tiếp cận thị trường thế giới cho xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga, nối lại liên kết của Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Cho đến nay, các bên đều chưa có dấu hiệu nhượng bộ và khả năng các thoả thuận ngừng bắn vừa đạt được có sớm được thực thi hay không vẫn là dấu hỏi lớn.