Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động

(VOV5) - Nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn đã được tổ chức công đoàn các cấp triển khai trên phạm vi cả nước.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra từ ngày mai đến ngày 3/12, tại thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước. Đại hội sẽ bàn các giải pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động - ảnh 1Ảnh: laodong.vn

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn đã được tổ chức công đoàn các cấp triển khai trên phạm vi cả nước trong thời gian qua, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tạo động lực giúp họ nâng cao năng suất lao động.

Hiệu quả qua những con số cụ thể

Việt Nam hiện có hơn 11 triệu 330 đoàn viên công đoàn. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, toàn hệ thống công đoàn đã phục vụ đoàn viên, người lao động ngày một tốt hơn. Hơn 72% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở để chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tăng gần 6,5 % so với đầu nhiệm kỳ. Chương trình "Mái ấm Công đoàn" hỗ trợ hơn 14.000 người lao động xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng (khoảng 21 triệu USD).

Ngoài ra, các tổ chức công đoàn cũng thăm hỏi, tặng quà hơn 30 triệu lượt đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trong dịp Tết, với tổng số tiền hơn 28 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD).

Đáng chú ý, lần đầu tiên, tổ chức Công đoàn ban hành các gói hỗ trợ dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đoàn viên, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm…từ nguồn tài chính công đoàn với tổng số tiền hàng nghìn tỉ đồng. Để truyền tải trực tiếp nguyện vọng của các công đoàn viên, người lao động tới các cơ quan chức năng, các cấp công đoàn ở nhiều địa phương đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể với công nhân, lao động.

Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động - ảnh 2Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: baophunuthudo.vn

Ngoài ra, công đoàn các cấp cũng triển khai hiệu quả 13 quỹ trợ vốn việc làm, gần 3 triệu lượt đoàn viên, người lao động vay với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Riêng quỹ CEP (tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm của TP Hồ Chí Minh) đã cho hơn 1,8 triệu lượt công nhân lao động vay vốn, với số tiền hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD). Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố HCM, cho biết: CEP đã phối hợp với công đoàn các cấp đẩy mạnh triển khai các sản phẩm dịch vụ tín dụng cá nhân đến đoàn viên người lao động. Qua chương trình ký kết với các tỉnh, trong 1 tháng, CEP đã giải ngân cho vay trên 1000 tỷ đồng (42 triệu USD). Đồng thời với chương trình này, kể từ tháng 7, CEP cũng đã tập trung trao học bổng CEP cho con khách hàng, trao mái nhà CEP cho khách hàng rất khó khăn về nhà ở, trao bếp ấm cho khách hàng công nhân khu nhà trọ.

Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Công đoàn Việt Nam triển khai cũng đã ghi nhận hơn 2,4 triệu sáng kiến, trong đó có nhiều sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới, giải pháp nâng cao năng suất lao động được ứng dụng, làm lợi ước tính hơn 33 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD).

Xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam là chỗ dựa tin cậy của người lao động

Từ những thành quả đạt được trong 5 năm qua, mục tiêu chính của tổ chức công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028 là nâng cao chất lượng hoạt động; lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm; nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động…Công đoàn cũng sẽ đổi mới để hướng tới mục tiêu: cải thiện tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Dự kiến từ nay đến năm 2028, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục phối hợp triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và sát cánh đồng hành, hỗ trợ để đoàn viên, người lao động sớm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định: Trong nhiệm kỳ tới, công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động. Lấy nhu cầu, lợi ích của đoàn viên người lao động làm mục tiêu, căn cứ để xây dựng kế hoạch chương trình công tác. Tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên người lao động. Đẩy mạnh, thu hút, tập hợp, đoàn kết xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại lớn mạnh, phát huy được lòng tự hào tự tôn dân tộc, trí tuệ, sức mạnh, sáng tạo của cán bộ, đoàn viên, người lao động; quyết tâm xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam là chỗ dựa tin cậy của người lao động.

Với gần 95 năm đồng hành cùng dân tộc (ra đời năm 1929), Công đoàn Việt Nam tiếp tục là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, của những người lao động; là sợi dây nối liền giữa Đảng cộng sản Việt Nam với giai cấp công nhân và người lao động.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác