Đằng sau việc phá giá đồng Nhân dân tệ

(VOV5) - Việc đồng Nhân dân tệ chỉ trong 3 ngày bị hạ giá liên tiếp với mức kỷ lục kể từ khi Trung Quốc lập nên hệ thống hối đoái hiện đại năm 1994 chẳng khác nào cơn địa chấn trên thị trường tài chính khu vực và thế giới. Vì đâu Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nội tệ và động thái này sẽ đem lại những lợi ích cũng như gây ra những hệ lụy gì cho chính nước này? Đây là điều mà các nhà phân tích, giới quan sát tài chính theo dõi và phân tích sát sao trong những ngày qua.

 

Đằng sau việc phá giá đồng Nhân dân tệ - ảnh 1
Ảnh:dantri.com


Thông thường, tỷ giá cần ổn định để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời giúp người dân tăng niềm tin vào đồng nội tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Ấy vậy nhưng trong một động thái được giải thích là nhằm phản ứng tốt hơn với diễn biến thị trường, Trung Quốc đã quyết định hạ tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở mức mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Chỉ trong 3 ngày cuối tuần qua, đồng Nhân dân tệ đã mất giá tổng cộng 4,6%. Thị trường tài chính toàn cầu đã bị sốc và những lời đồn đoán về một cuộc “chiến tranh tiền tệ” đã dấy lên.

Khắc phục suy giảm kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu

Trong lịch sử tiền tệ thế giới, việc nền kinh tế chững lại và suy giảm khiến các quốc gia phải lựa chọn cách xử lý bằng công cụ tỷ giá và lần này Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Theo thống kê, nền kinh tế quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới đang tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ 6 năm trở lại đây. Các số liệu kinh tế ảm đạm khi xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm tới 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động sản xuất tăng trưởng yếu hơn dự báo, đồng thời tín dụng cũng tăng trưởng chậm lại. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng để hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu trong nước, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, Trung Quốc buộc phải chọn thời điểm này để phá giá đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích lại cho rằng bên cạnh lý do hỗ trợ xuất khẩu, việc phá giá đồng Nhân dân tệ còn là động thái có chủ đích của Bắc Kinh nhằm giành ưu thế trong cạnh tranh. Thực tế, thị trường tiền tệ thế giới đã nhanh chóng “nếm trải” những tác động không nhỏ sau quyết định 3 lần điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Các đồng tiền của các nước quanh khu vực như Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Singapore cũng trượt giá theo ở mức trên dưới 1%.

Nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ

Việc phá giá đồng Nhân dân tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu cũng như hỗ trợ tăng trưởng là đã rõ. Song có vẻ như Trung Quốc không đơn thuần chỉ vì mục tiêu này, mà sâu xa hơn việc phá giá đồng Nhân dân tệ nằm trong lộ trình Quốc tế hóa đồng tiền này. Bấy lâu nay Trung Quốc luôn tìm cách để đưa đồng Nhân dân tệ tham gia vào nhóm tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt (hay còn gọi là rổ SDR) và là một trong những ngoại tệ cùng đồng USD, đồng bảng Anh, đồng Euro, đồng Yên Nhật trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Trung Quốc tin rằng nền kinh tế họ đủ mạnh và đồng Nhân dân tệ cũng đủ “khỏe” để có mặt trong SDR. Thế nhưng trên thực tế, nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Bắc Kinh đang vấp phải vô số khó khăn. Mặc dù Trung Quốc đã tiến hành mua số trái phiếu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trị giá 50 tỷ USD bằng Nhân dân tệ từ tháng 9/2009, song những thỏa thuận trao đổi giao dịch bằng Nhân dân tệ giữa Trung Quốc với một số nước hầu như rất ít. Các nước vẫn không thể dùng Nhân dân tệ để nhập khẩu hàng hóa từ một nước thứ 3, hoặc thanh toán cho một ngân hàng nước ngoài hoặc người đầu tư trái phiếu nước ngoài. Cho đến nay trái phiếu được tính bằng Nhân dân tệ chỉ được bán duy nhất ở Trung Quốc, bởi hệ thống ngân hàng Trung Quốc hoặc một số định chế tài chính đa phương.

Vì vậy, việc phá giá đồng Nhân dân tệ lần này của Bắc Kinh được giới quan sát nhìn nhận là có chủ đích, nhằm chứng minh sự linh hoạt của cơ chế tỷ giá hối đoái, một trong những điều kiện để Trung Quốc hội nhập vào thị trường tài chính toàn cầu. Năm nay cũng là thời hạn xét duyệt 5 năm một lần mà IMF xem xét lại tỷ lệ các đơn vị tiền tệ có mặt trong rổ SDR.

Nảy sinh hệ quả trái chiều

Bên cạnh những lợi ích trước mắt, giới phân tích cũng cho rằng chính Trung Quốc sẽ phải chịu hệ quả rất lớn từ đợt điều chỉnh tỷ giá lần này. Đó là nguy cơ tháo chạy của các dòng vốn. Ước tính, tỷ giá thực tế của đồng Nhân dân tệ cứ giảm 1%, sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tăng, nhưng cùng với đó, có khoảng 40 tỷ USD vốn bị rút khỏi thị trường Trung Quốc. Biến động của thị trường tỷ giá ảnh hưởng lớn nhất đến các lĩnh vực công nghệ thông tin, bất động sản và tài chính. Vài năm gần đây, lãi suất thấp trên toàn cầu và thị trường tín dụng trong nước bị thắt chặt khiến nhiều công ty Trung Quốc phải tìm tới các khoản vay giá rẻ từ nước ngoài. Ước tính hiện các công ty Trung Quốc nợ tổng cộng gần 370 tỷ USD và khi đồng Nhân dân tệ yếu đi tất yếu khối nợ này sẽ tăng lên. Ngoài gánh nặng nợ nần, việc kinh doanh bất động sản cũng sẽ gặp khó khăn do giá bất động sản ở Trung Quốc có sự liên quan mật thiết với tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

Nhận thức rất rõ những hệ quả trái chiều này, sau khi xuống đáy, đồng Nhân dân tệ đã được Trung Quốc điều chỉnh tăng nhẹ trở lại. Bởi vậy, việc phá giá sâu đồng nội tệ được các nhà phân tích xem là động thái có chủ đích của Bắc Kinh. Một mặt nhằm thúc đẩy nền kinh tế, duy trì tăng trưởng và việc làm, mặt khác nâng cao quyền lực cho đồng Nhân dân tệ, giúp nước này dễ dàng thực hiện các mục tiêu ngoại giao và củng cố vai trò trung tâm của họ trên nền kinh tế toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác