Địa Trung Hải: cuộc cạnh tranh đa phương phức tạp

(VOV5) - Cuộc khẩu chiến giữa hai quốc gia thành viên NATO bùng phát sau sự kiện tàu khu trục Limnos của Hy Lạp và tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhỹ Kỳ xảy ra va chạm...

Đúng như lo ngại của giới phân tích, căng thẳng bùng phát hồi giữa tháng 8 trên vùng biển phía Đông Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhỹ Kỳ, hai quốc gia vốn có không ít khúc mắc trong một số vấn đề lịch sử, tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng đáng lo ngại, có nguy cơ biến thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong khu vực.

Địa Trung Hải: cuộc cạnh tranh đa phương phức tạp - ảnh 1

Tàu chiến Hy Lạp tập trận chung với hải quân Pháp ngày 13/08/2020 trên Địa Trung Hải - Ảnh: REUTERS do Bộ Quốc phòng Hy Lạp cung cấp

Cuộc khẩu chiến giữa hai quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bùng phát sau sự kiện tàu khu trục Limnos của Hy Lạp và tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhỹ Kỳ xảy ra va chạm tại khu vực biển phía Đông Địa Trung Hải mà cả hai nước cùng tuyên bố quyền tài phán hôm 12/8. Thổ Nhỹ Kỳ đã phản ứng rất gay gắt về vụ việc, cho đây là một hành động khiêu khích của Hy Lạp. Căng thẳng không ngừng gia tăng và lên đến đỉnh điểm khi cả hai nước đồng thời tiến hành các cuộc tập trận riêng rẽ với các đối tác của mình trên biển Địa Trung Hải trong những ngày cuối cùng của tháng 8, gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.

Châu Âu và NATO phản ứng sốt sắng

Để vấn đề không leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát, ngay trong những ngày đầu tiên sau vụ va chạm, Mỹ và châu Âu đã lập tức tiến hành các biện pháp mạnh mẽ. Ngày 14/8, Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức hội nghị khẩn cấp cấp Ngoại trưởng các quốc gia thành viên để thảo luận biện pháp đối phó. Cuộc họp nhất trí cho rằng những động thái huy động hải quân gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "dẫn đến tình trạng đối kháng và ngờ vực nghiêm trọng hơn." Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Manuel Macron cũng đã điện đàm, bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng giữa hai nước thành viên NATO.

Đến ngày 28/8, Tổng thư ký NATO Jens Stolltenberg đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhỹ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp giảm leo thang căng thẳng, giải quyết tranh chấp trên tinh thần đoàn kết và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Một ngày trước cuộc điện đàm, Tổng thư ký NATO cũng tuyên bố, khối liên minh này đang cân nhắc các biện pháp tránh nguy cơ xung đột nhằm ngăn chặn các sự cố hải quân ở khu vực đang ngày càng nóng lên.

Trong khi đó, với tư cách là Chủ tịch luân phiên EU, nước Đức cũng thực hiện nhiều nỗ lực hóa giải căng thẳng. Đáng chú ý trong các nỗ lực này là việc Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã liên tiếp tiến hành các chuyến thăm tới Athens và Ankara trong vai trò trung gian hòa giải để hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước đồng mình cùng NATO.  

Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi hòa giải, EU còn thể hiện một thái độ hết sức cứng rắn đối với vụ việc. Theo đó, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố EU sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt Thổ Nhỹ Kỳ tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào ngày 24/9 tới đây.

Cuộc cạnh tranh đa phương phức tạp về tài nguyên

Theo giới phân tích, sở dĩ căng thẳng tại Địa Trung Hải những ngày qua nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý của dư luận quốc tế là bởi vì trên thực tế vấn đề này có liên quan đến nhiều quốc gia khu vực và quốc tế, chứ không chỉ có riêng Hy Lạp và Thổ Nhỹ Kỳ.   

Một nghiên cứu năm 2010 của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho thấy ở vùng Levant Basin, phía Đông Địa Trung Hải, trữ lượng dầu thô và khí đốt tự nhiên chưa được khai thác vẫn còn rất lớn, ước tính vào khoảng 3,5 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên và 1,7 tỷ thùng dầu thô. Nguồn tài nguyên khổng lồ đó khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các bên ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Đến thời điểm này, tham gia vào các nỗ lực khai thác tài nguyên tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải, ngoài Hy Lạp và Thổ Nhỹ Kỳ, còn có một loạt quốc gia khác như Ai Cập, Cyprus, Israel… Trong đó, 4 nước Hy Lạp, Cyprus, Ai Cập và Israel tăng cường hợp tác với nhau, còn Thổ Nhỹ Kỳ đứng đơn độc trên một chiến tuyến.     

Thực tế này khiến Ankara quyết định thay đổi cục diện bằng việc sử dụng đối sách “ngoại giao pháo hạm”, đưa tàu khảo sát Oruc Reis cùng các tàu hộ tống đến vùng biển phía Đông Địa Trung Hải hôm 10/8 và dẫn đến vụ va chạm với tàu khu trực Hy Lạp hai ngày sau đó, thổi bùng căng thẳng tại khu vực.

Với cục diện phức tạp hiện nay, giới phân tích cho rằng cuộc tranh chấp trên Địa Trung Hải khó lòng có thể được hóa giải trong một sớm một chiều, nhất là khi Thổ Nhỹ Kỳ nhất quyết không chịu nhượng bộ. Trong khi đó, châu Âu cũng không dễ gì có thể gây áp lực với Thổ Nhỹ Kỳ khi mà Ankara đang nắm trong tay con bài quan trọng là “vấn đề người di cư” trong các cuộc đàm phán sống còn với EU.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác